Rời bỏ Google để tự kinh doanh, thành tỷ phú giàu thứ 4 Trung Quốc
Đó là câu chuyện đầy cảm hứng về tỷ phú Colin Huang, người sáng lập 'gã khổng lồ' về thương mại điện tử Pinduoduo của Trung Quốc.
Doanh nhân trẻ tuổi Colin Huang không phải là cái tên quen thuộc bên ngoài biên giới Trung Quốc, nhưng đang là một trong những người giàu nhất thế giới. Tài sản của Colin Huang vụt tăng vào tháng 2/2021, với giá trị tài sản ròng đạt hơn 70 tỷ USD.
Mặc dù đã giảm bớt, Bloomberg ước tính Colin Huang hiện có tài sản khoảng 36,4 tỷ USD, trở thành người giàu thứ 35 trên thế giới và giàu thứ 4 ở Trung Quốc.
Colin Huang là người sáng lập và cựu Giám đốc điều hành của Pinduoduo, một sàn thương mại điện tử trực tuyến được ứng dụng hóa kết nối người mua và người bán. Nó phổ biến ở Trung Quốc và có vốn hóa thị trường hơn 135 tỷ USD, cao hơn cả Uber hay Sony. Mọi người mua các mặt hàng trên Pinduoduo với giá ưu đãi khi chơi trò chơi và lôi kéo bạn bè "mua theo nhóm" các loại hàng hóa với mức giảm giá lớn.
Pinduoduo nhận một khoản hoa hồng nhỏ và tính phí người bán quảng cáo sản phẩm của họ trên ứng dụng, nhưng không giữ bất kỳ hàng tồn kho nào. Được Colin Huang thành lập vào năm 2015, công ty phát triển nhanh chóng và được niêm yết tại New York vào tháng 7/2018.
Xuất thân khiêm tốn và đổi vận nhờ thi Olympic toán
Colin Huang sinh năm 1980, có cha mẹ là công nhân nhà máy ở ngoại ô Hàng Châu, một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang phía Đông Trung Quốc. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Colin Huang học ở một trường tiểu học “bình thường”, nhưng sau khi giành được giải trong cuộc thi Olympic toán, giáo viên đã yêu cầu Colin Huang làm bài kiểm tra đầu vào Trường Ngoại ngữ Hàng Châu (HFLS) có tính chọn lọc cao.
Colin Huang đã vượt qua kỳ thi, đỗ vào HFLS, nhưng ban đầu không muốn đi vì nghĩ HFLS chỉ tập trung vào việc học ngoại ngữ.
Colin Huang viết: “Tôi muốn vào một ngôi trường chuyên về Toán, Vật lý và Hóa học. “Sau đó, hiệu trưởng của tôi đã gọi tôi đến và thuyết phục tôi đi. Nhìn lại, thật may mắn vì tôi đã chọn theo học tại HFLS”.
HFLS nổi tiếng với cách tiếp cận tự do, giúp Colin Huang tiếp xúc với văn hóa phương Tây và chịu ảnh hưởng sớm hơn, sâu hơn và ở mức độ lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Năm 18 tuổi, Colin Huang thi đỗ và học ngành Khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang danh tiếng. Vào năm thứ nhất, anh được chọn làm thành viên của Quỹ Melton do Bill Melton - người sáng lập VeriFone, thành lập. Quỹ Melton tuyển chọn những sinh viên trẻ từ các khu vực mới nổi trên toàn cầu.
Mỗi người được cấp một máy tính và dữ liệu Internet để họ có thể duyệt web và nhắn tin cho những người khác. Họ cũng có thể đi du lịch đến một quốc gia thành viên mỗi năm. Colin Huang cho rằng trải nghiệm này đã mang lại cho mình tư duy quốc tế hơn hầu hết mọi người ở Trung Quốc.
Vào cuối những năm 1990, Colin Huang là một trong số ít thanh niên Trung Quốc có khả năng truy cập Internet và kết bạn quốc tế.
Ngay từ khi còn trên ghế giảng đường, Colin Huang đã là thực tập sinh của Microsoft và làm việc tại Microsoft Bắc Kinh cũng như văn phòng Redmond/Washington của công ty, được trả lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, Colin Huang không bị cám dỗ bởi tương lai ở đó, bởi lẽ một người cố vấn đã bảo anh hãy xem xét một công ty mới có tên là Google.
Thành danh tại Google và quyết định dũng cảm thay đổi số phận
Năm 2004, Colin Huang tốt nghiệp thạc sĩ Khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin (Mỹ) và có được công việc toàn thời gian đầu tiên tại Google với tư cách là kỹ sư phần mềm trước khi trở thành Giám đốc sản phẩm. Vào thời điểm đó, Google chuẩn bị thâm nhập thị trường Trung Quốc và Colin Huang trở thành thành viên chủ chốt trong nhóm tiên phong của công ty.
Google bỗng tỏa sáng vào ngày 19/8/2004 sau khi huy động được hơn 1,9 tỷ USD. Colin Huang nhớ lại khoảng thời gian tuyệt vời này trong một bài đăng trên blog: “Lợi nhuận hoạt động và số lượng nhân viên tăng lên nhanh chóng, kèm theo số dư tài khoản cũng đột ngột tăng lên rất nhiều”.
Colin Huang không nhận ra mình may mắn thế nào ở Google cho đến khi rời đi. “Mãi đến 3 hoặc 4 năm sau, tôi mới nhận ra rằng thật hiếm khi được gặp và gia nhập một công ty như Google vào thời điểm đó. Đó là cơ hội chỉ có một lần trong đời (hoặc ít nhất là mười hay hai mươi năm mới có một lần) và tôi đã vô cùng may mắn", anh từng viết.
Colin Huang quay lại Trung Quốc vào năm 2006 để giúp thành lập Google Trung Quốc. Tại Google, Colin Huang đã đạt được “tự do tài chính cơ bản”, vì vậy anh quyết định đi theo con đường riêng của mình.
Năm 2007, từ chức ở Google, Colin Huang thành lập trang thương mại điện tử Oukou, chuyên bán các thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại di động và đồ gia dụng. 3 năm sau, anh bán liên doanh này trước khi thành lập công ty thứ hai, Leqi. Công ty này giúp các thương hiệu nước ngoài tiếp thị cửa hàng trực tuyến của họ trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Tmall và JD.com.
Sau đó, Colin Huang lập studio chơi game Xumeng - công ty tạo ra các trò chơi nhập vai trực tuyến, thường có các nhân vật nữ ăn mặc hở hang. Năm 2013, anh quyết định nghỉ hưu sớm khi mới 33 tuổi do bị nhiễm trùng tai.
Pinduoduo - sự kết hợp giữa trang mua sắm tổng hợp Costco và Disneyland
Năm 2015, trong bối cảnh ngành thương mại điện tử do Alibaba và JD.com thống trị, Colin Huang vẫn quyết định ra mắt trang Pinduoduo với niềm tin rằng có thể đạt được thành công bằng cách áp dụng trò chơi mua sắm trực tuyến. Theo Bloomberg, anh đã huy động được 8 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư vào năm 2015 và thêm khoảng 100 triệu USD vào năm 2016.
Dựa trên kinh nghiệm chơi game, Colin Huang biến Pinduoduo thành một ứng dụng mua sắm "game hóa", với các tính năng thú vị để khuyến khích lượt truy cập vào ứng dụng hàng ngày. Trong bản cáo bạch IPO của công ty, Colin Huang đã mô tả Pinduoduo giống như sự kết hợp giữa trang mua sắm tổng hợp Costco và Disneyland.
Ngoài hỗ trợ các đơn đặt hàng, Pinduoduo còn cung cấp cho người dùng phần thưởng bằng tiền mặt khi chơi một trò chơi liên quan đến việc đưa người khác đến với nền tảng. Cách tiếp cận của anh đã thu hút đông đảo người mua và người bán - những người trả tiền cho quảng cáo. Đây là chìa khóa cho mô hình kinh doanh của công ty và khiến doanh thu tăng vọt.
Pinduoduo ra mắt ứng dụng mua sắm giảm giá Temu tại Mỹ vào tháng 9/2022, nhưng ứng dụng này chỉ được biết đến rộng rãi khi xuất hiện trong quảng cáo Super Bowl vào tháng 2/2023. Nó hoạt động độc quyền như một thị trường, nơi người bán - chủ yếu có trụ sở tại Trung Quốc - cung cấp nhiều mặt hàng khác nhau, từ thời trang nhanh, đồ trang điểm đến đồ điện tử và đồ gia dụng. Chỉ trong vài tháng, ứng dụng Temu đã đứng đầu bảng xếp hạng về lượt tải xuống.
Nó hiện được liệt kê là ứng dụng miễn phí hàng đầu trên cả Google Play và App Store, vượt qua cả TikTok, Amazon và Instagram.
Điều đó giúp doanh thu của Pinduoduo một lần nữa tăng vọt. Cuối tháng 8/2023, Pinduoduo báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng, với tổng doanh thu là 52,28 tỷ Nhân dân tệ (7,21 tỷ USD) trong quý tính đến ngày 30/6/2023, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần 3/4 doanh thu của công ty đến từ "dịch vụ tiếp thị trực tuyến và các dịch vụ khác", doanh thu quảng cáo, phần còn lại đến từ các dịch vụ giao dịch. Lợi nhuận của công ty tăng gần 50%, lên mức 12,72 tỷ Nhân dân tệ (1,75 tỷ USD).
Colin Huang hiện nắm giữ 28% cổ phần tại Pinduoduo. Ngày 1/7/2020, anh từ chức Giám đốc điều hành của Pinduodu, sau đó từ chức Chủ tịch Pinduoduo vào tháng 3/2021.
Kể từ khi rời khỏi vị trí lãnh đạo công ty, Colin Huang tập trung nghiên cứu về thực phẩm và khoa học đời sống.
Tiểu thương chợ truyền thống lo ngay ngáy vì ế ẩm
Xã hội số tại Việt Nam: Thu hẹp khoảng cách giữa thực tế và tiềm năng