‘Đà Lạt thứ hai’ của đại ngàn Tây Nguyên dự kiến được đầu tư gần 5.000 tỷ xây dựng sân bay, định hướng trở thành KDL đẳng cấp quốc tế
Theo kế hoạch, đến năm 2030, sân bay sẽ có công suất 1 triệu lượt khách/năm, đạt tiêu chuẩn cấp 4C.
‘Đà Lạt thứ hai’ của đại ngàn
Thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Thị trấn nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển nên bầu không khí mát mẻ quanh năm. Được bao bọc bởi rừng nguyên sinh, Măng Đen nổi bật giữa đại ngàn với vẻ đẹp thơ mộng, sống động của những hồ nước, thác nước và suối tự nhiên, thậm chí nhiều người còn so sánh như đây là ‘Đà Lạt thứ hai’ của Tây Nguyên.
Tên gọi "Măng Đen" bắt nguồn từ tiếng Xê Đăng “T’măng Deeng”, nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn mặc dù nằm ở độ cao giữa cao nguyên. Với độ che phủ rừng lên đến gần 82% diện tích tự nhiên cao nhất cả nước, Kon Plông sở hữu một hệ sinh thái độc đáo với hệ động thực vật nhiệt đới quý hiếm. Yếu tố này ảnh hưởng rất lớn tới cảnh sắc và điều kiện tự nguyên tại Măng Đen.
Thị trấn Măng Đen được mệnh danh là vùng đất của "7 hồ 3 thác" với các thắng cảnh như thác Đăk Ke, Pa Sỹ, Lô Ba hay hồ Toong Đam, Toong Zơri, Toong Pô. Những địa danh này không chỉ làm say lòng du khách mà còn tạo điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Chính vẻ đẹp yên bình và điều kiện sống thuận lợi đã khiến nhiều người từ phương xa chọn gắn bó lâu dài với vùng đất này.
Trong số các hồ nước nổi tiếng, hồ Đăk Ke hay còn được gọi là Toong Rơ Poong, là hồ lớn nhất với diện tích khoảng 3ha. Khung cảnh nơi đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa làn nước trong xanh cùng những dãy núi trùng điệp và cánh rừng xanh mướt. Xung quanh lòng hồ hoa nở quanh năm, tô điểm thêm cho bức tranh sơn thủy hữu tình của khu du lịch sinh thái Măng Đen.
Ngoài ra, Măng Đen còn được biết đến như một "thiên đường hoa anh đào" của Tây Nguyên. Theo thống kê sơ bộ từ UBND huyện Kon Plông, trên địa bàn hiện có hàng chục nghìn cây hoa anh đào, tập trung nhiều nhất tại khu vực thị trấn. Sắc hồng rực rỡ của loài hoa này càng làm tăng thêm nét quyến rũ cho vùng đất cao nguyên xanh mát, khiến Măng Đen trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ.
Định hướng phát triển vươn tầm quốc tế
Dựa trên tiềm năng du lịch phong phú và chưa được khai thác toàn diện, ngày 29/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1492/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045.
Quy hoạch này hướng tới việc đưa Khu du lịch Măng Đen đạt tiêu chuẩn của một khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia, trở thành điểm đến nổi bật, có thương hiệu mạnh tại Tây Nguyên, trong nước và trên trường quốc tế. Mục tiêu không chỉ là phát triển ngành du lịch thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, giàu bản sắc, có tính cạnh tranh cao, mà còn tạo đà thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng tiến bước. Đồng thời, quy hoạch này cũng đặt trọng tâm vào việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Plông nói riêng và toàn tỉnh Kon Tum nói chung.
Khu du lịch Măng Đen được định hướng phát triển trên cơ sở khai thác triệt để những lợi thế về khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và nền văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Bên cạnh đó, quy hoạch đảm bảo các yếu tố bền vững, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, phát triển song hành với việc bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên, cũng như nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Tầm nhìn đến năm 2045, Khu du lịch Măng Đen sẽ trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy ngành du lịch cả nước, vươn mình thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và văn hóa mang tầm cỡ quốc gia, khu vực. Hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật và cơ sở vật chất sẽ được xây dựng đồng bộ, hiện đại, cùng với các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Sân bay gần 5.000 tỷ kỳ vọng tạo đà cho du lịch Măng Đen
Số lượng du khách ghé thăm Khu du lịch sinh thái Măng Đen, tỉnh Kon Tum trong những năm trở lại đây đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, từ năm 2016 đến ngày 31/5/2024, khu vực này đã thu hút 3.425.220 lượt khách, trong đó có 3.390.505 lượt khách nội địa và 34.715 lượt khách quốc tế.
Nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng phát triển và hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra với du lịch của Măng Đen, ngày 2/12, Bộ Giao thông Vận tải đã trình lên Thủ tướng Chính phủ "Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Măng Đen" nhằm đề nghị phê duyệt việc đưa cảng hàng không này vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không và sân bay trên toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đề xuất, sân bay mới sẽ được đặt tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, cách TP. Kon Tum 60km và chỉ cách trung tâm thị trấn Măng Đen 4km. Vị trí này được đánh giá không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các sân bay trong khu vực như Pleiku, Phù Cát và Chu Lai.
Dự án quy hoạch sân bay Măng Đen dự kiến sẽ chiếm diện tích khoảng 350ha, chủ yếu trên địa hình đồi núi. Theo kế hoạch, sân bay sẽ đạt tiêu chuẩn cấp 4C và có công suất 1 triệu lượt khách/năm vào năm 2030 với định hướng mở rộng quy mô trong các giai đoạn tiếp theo.
Về nguồn vốn, tổng mức đầu tư giai đoạn đầu dự kiến khoảng 4.900 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước dành cho giải phóng mặt bằng chiếm 327 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được huy động từ các nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với khoảng 4.600 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian hoàn vốn kéo dài 48 năm.
Dự báo, lượng khách du lịch đến Măng Đen sẽ đạt 2 triệu lượt vào năm 2030 và tăng lên 5 triệu lượt vào năm 2045. Đáng chú ý, khoảng 90% nhu cầu vận tải hàng không của khu vực Tây Nguyên được dự kiến sẽ đến từ lượng khách du lịch đến Măng Đen, biến nơi đây trở thành trung tâm phát triển du lịch và kinh tế quan trọng của khu vực.