Vĩ mô

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 7/2024

Hải Liên 31/10/2023 - 16:34

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động, bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 - cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 7/2024 - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động, bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024

Chiều 31/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, bên cạnh những kết quả rất trân trọng, năm 2023, có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Trong 5 chỉ tiêu chưa đạt của năm 2023, Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77-4,76 (chỉ tiêu Quốc hội giao là 5-6%).

Ông Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, đây là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm: Giai đoạn 3 năm 2021-2023 chỉ đạt 4,36-4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016-2018.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này. Bởi theo ông, tại các kỳ họp trước, đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến và kiến nghị các giải pháp về tăng năng suất lao động, phát huy lợi thế nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng.

Theo ông Phạm Trọng Nghĩa, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị quan tâm đến 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa. Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; ông nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo Báo cáo số 286/BC-CP ngày 8/6/2023 của Chính phủ gửi đến kỳ họp thứ 5, thì thủ tục hành chính của nhiều ngành, lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn, tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Trong Báo cáo tổng hợp kiến nghị do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ 6 này, cử tri và nhân dân đề nghị các cấp chính quyền quan tâm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, công khai minh bạch các quy trình, thủ tục.

Do đó, đại biểu đề nghị trong kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Thứ ba, đại biểu đề nghị tăng cường liên kết vùng. Đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong 6 nghị quyết nêu trên vào cuộc sống.

Đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động

Một vấn đề được ông Phạm Trọng Nghĩa nêu là sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế-xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới, nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.

"Người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999). Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới", ông Phạm Trọng Nghĩa phát biểu.

TRỰC TIẾP: Quốc hội thảo luận KTXH, cải cách tiền lương,...

Chính sách mới về tiền lương, giảm tiền thuê đất, điều chỉnh thu phí có hiệu lực từ tháng 11/2023

Kinh doanh sụt giảm, tiền lương tăng - sếp một công ty xây dựng nhận thù lao gấp 300 lần cấp dưới

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-tang-luong-toi-thieu-cho-nguoi-lao-dong-tu-7-2024-102231031152906708.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đại biểu Quốc hội: Đề nghị tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 7/2024
POWERED BY ONECMS & INTECH