Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi mong muốn Chính phủ sớm quyết định đưa phân bón trở lại mặt hàng chịu thuế VAT trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang cần được hỗ trợ để giảm chi phí đầu vào.
Tại phiên thảo luận toàn thể sáng 2/6, ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng hơn hai năm qua khi chịu sự tác động nặng bởi dịch bệnh COVID-19, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo cơ sở quan trọng để đảm bảo sự ổn định và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Nông nghiệp có vai trò quan trọng như vậy nhưng trong việc đầu tư ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội vào nông nghiệp những năm qua chưa tương xứng với những đóng góp của nông nghiệp đối với Quốc gia và xã hội.
Người nông dân hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước việc giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá nông sản không tăng đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người nông dân.“Chính phủ có giải pháp để giữ ổn định và giảm giá các mặt hàng phân bón", Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị.
Theo vị này, Chính phủ hiện đang tập trung các biện pháp để giữ ổn định và giảm giá các mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, có một nội dung cần được Quốc hội tháo gỡ, đó là năm 2014, xuất phát từ yêu cầu giảm giá phân bón, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Quốc hội Khóa XIII khi sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế đã đưa mặt hàng phân bón trở thành mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).
Nhưng do quy định về hoàn thuế VAT thì mặt hàng có thuế suất VAT bằng 0 khác với mặt hàng không chịu thuế, một loại thì được hoàn VAT đầu vào, loại còn lại thì không. Việc này vô hình chung đã làm chi phí sản xuất phân bón tăng lên, không có tác dụng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT cũng đã có kiến nghị nội dung này với Quốc hội.
“Vì vậy, rất mong Quốc hội sớm quyết định đưa phân bón trở lại mặt hàng chịu thuế VAT, nhất là trong bối cảnh hiện nay ngành nông nghiệp đang rất cần được hỗ trợ để giảm chi phí đầu vào”, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có chính sách kiểm soát hạn chế tăng giá phân bón thông qua các chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô như chính sách thuế, phí, cân đối cung cầu; xem xét chính sách thuế và kiểm soát xuất khẩu đối với một số mặt hàng phân bón để giảm áp lực tăng giá trong nước, chia sẻ bớt khó khăn cho người nông dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.