Vĩ mô

Đại đoàn Quân tiên phong và hai lần “lỡ hẹn” lịch sử

Nguyễn Phước Thắng 09/10/2024 08:02

Ngày 10/10/1954, bác sĩ Trần Duy Hưng cùng Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ dẫn đầu đội hình Đại đoàn 308 (sau này là sư đoàn 308) trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong vòng tay, cờ hoa chào đón của đồng bào.

Thế nhưng có một điều mà không mấy ai nhận ra, đó là trong hai chiến dịch quan trọng và vĩ đại nhất của Cách mạng Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20 (Điện Biên Phủ 1954 và Giải phóng Sài Gòn 1975) Quân Tiên phong đều “lỡ hẹn”. Đó là hai lần “lỡ hẹn” lịch sử…

Từ giọt nước mắt Bác Hồ tại lễ phong quân hàm Đại tướng tới sự ra đời của Đại đoàn Quân tiên phong

1h chiều ngày 28/5/1948, tại hội trường bằng nứa dựng lên bên dòng suối ở Định Hóa, Thái Nguyên, Bác Hồ chủ trì buổi lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội cùng các thành viên Chính phủ và Bác đứng trước bàn thờ.

Bác, tay cầm sắc lệnh gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp lên. Bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…”, rồi Bác bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Giây phút đó làm cho cả hội trường vô cùng xúc động. Lát sau, Bác nói tiếp: “…Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…” và Bác trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp sắc lệnh.

Hình 1. Chính phủ kháng chiến trong lễ phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1948.jpg
Chính phủ kháng chiến trong lễ phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Khỏi phải nói tới sự xúc động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày hôm ấy. Ông vô cùng xúc động và đã khóc. Đại tướng bày tỏ sự thương tiếc tận đáy lòng các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và bày tỏ niềm vinh dự lớn lao được Bác, Quốc hội, Chính phủ tin tưởng và giao cho trọng trách này. Ông hứa sẽ cống hiến trọn đời và hết sức mình cho Tổ quốc, nhân dân và Quân đội.

Trước đó, vào tháng 4/1948, Bộ Tổng tư lệnh đã lựa chọn xong số cán bộ chỉ huy cũng như những đơn vị sẽ đứng trong đội hình của Đại đoàn Quân tiên phong. Những đơn vị của Bộ được dồn lại thành hai trung đoàn: 88 và 102. Trung đoàn thứ ba sẽ là trung đoàn 36 của Bắc Ninh và Bắc Giang. Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn là đồng chí Vương Thừa Vũ, đã từng là Khu trưởng Chiến khu 11, Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang Liên khu 4. Tham gia Đại đoàn gồm những đơn vị đã chiến đấu ở mặt trận Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tu, Cẩm Phả, Kiến An, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang. Đơn vị nào cũng đã lập nhiều chiến công.

Sáng ngày 28/8/1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trần Đăng Ninh đã tới Đồn Đu, huyện lỵ huyện Phú Lương, nằm trên đường số 3 từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn để dự lễ thành lập Đại đoàn 308. Dọc đường đi, mọi người đều nhìn thấy hình ảnh một chiến sĩ xung kích mặc quần áo nâu, đầu đội mũ lá, đi chân đất, tay cầm cây mác đứng trên một bức tường thành rực lửa. Đây là biểu tượng của Đại đoàn 308.

Hình 2. Lễ thành lập Đại đoàn 308.jpg
Lễ thành lập Đại đoàn 308. Ảnh tư liệu

Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Vương Thừa Vũ, người cao gầy, mặc bộ quân phục bằng kaki dày, ống quần bó trong ủng, đi nghiêm đến trước lễ đài, rút kiếm chào đại diện của Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh rồi mời các đồng chí đi duyệt hàng quân. Nét mặt cán bộ, chiến sĩ đều lộ vẻ xúc động. Tất cả đều rất trẻ. Người lớn tuổi nhất là Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, 39 tuổi. Người ít tuổi nhất là chiến sĩ cảm tử quân Hà Nội, Trương Công Lũy, chiến sĩ trung đoàn Thủ đô, mới 11 tuổi.

Đại tướng trao cho đại đoàn một lá cờ “Chiến thắng” của Bộ Tổng tư lệnh. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gửi tặng đại đoàn thanh kiếm khắc bốn chữ “Mã đáo thành công”. Tổng bộ Việt Minh cũng tặng đại đoàn một thanh kiếm mang tên “Dân tộc”.

Hình 3. Người chiến sỹ mang mác búp đa biểu tượng của Đại đoàn 308 ngày thành lập.jpg
Người chiến sĩ mang mác búp đa, biểu tượng của Đại đoàn 308. Ảnh tư liệu

Trong buổi lễ thành lập đại đoàn đầu tiên, không khí bộ đội cũng như đại biểu nhân dân địa phương đều tràn đầy phấn khởi. Bộ đội ta đã đi được một bước đầy ý nghĩa trong công cuộc xây dựng bộ đội chủ lực. Ngay từ ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời, một nhà nước độc lập, thì đương nhiên phải có một quân đội tương xứng. Và quân đội ấy không phải chỉ có những đại đội hay tiểu đoàn, trung đoàn, mà nhất định phải có đại đoàn.

Lần lỡ hẹn thứ nhất – Trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

Đại đoàn 308 đã cùng với Quân đội ta bước sang năm thứ 9 của cuộc kháng chiến trường kỳ và cùng hội quân ở Điện Biên Phủ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ngày 26/1/1954, tại sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau nhiều đêm thức trắng và cân nhắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" đồng thời quyết định hoãn cuộc tiến công và ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Đại tướng trực tiếp gọi điện thoại cho pháo binh. Đầu dây bên kia, tiếng đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351: “Rõ, xin triệt để chấp hành mệnh lệnh”.

Hình 4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho các đại đoàn chủ lực tại Điện Biên Phủ Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đứng hàng trên ngoài cùng bên trái.jpg
Ảnh tư liệu

14h30, Đại tướng gọi cho đồng chí Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308: “Chú ý nhận lệnh: Tình hình thay đổi. Đại đoàn các đồng chí có nhiệm vụ hướng về Luang Prabang tiến quân. Dọc đường gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh trở về ngay. Giữ liên lạc vô tuyến điện. Khi được hỏi, mới trả lời”. “Rõ, xin triệt để chấp hành mệnh lệnh”, đồng chí Vương Thừa Vũ đáp.

Phải tới 10 năm sau, vào năm 1964, nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số đồng chí phụ trách các đại đoàn mới nói thực với Đại tướng ý nghĩ của mình. Chính ủy Đại đoàn công pháo, Phạm Ngọc Mậu nói: "Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là: "Được lời như cởi tấm lòng!". Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ".

Riêng Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ thì nói: "Ở Thẩm Púa, khi nghĩ phổ biến pháo binh của ta sẽ bắn hai ngàn viên pháo 105 ly, ai cũng trầm trồ cho rằng quân địch sẽ tan nát. Nhưng tôi hoàn toàn không tin như vậy! Ở Tu Vũ, địch đã bắn năm ngàn quả pháo mà đồn vẫn bị Trung đoàn 88 tiêu diệt. Hai ngàn quả pháo với một tập đoàn cứ điểm rộng nhiều cây số vuông như Điện Biên Phủ có là bao! Tôi nghĩ nếu lần đó cứ "đánh nhanh giải quyết nhanh" thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm!".

Để góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, 308 đã thực hiện một cuộc hành quân nghi binh chiến lược và xuất sắc sang đất bạn Lào. Thế nhưng…

Ngày 11/3/1954, sau một quá trình chuẩn bị lâu dài, đã sắp tới giờ nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 làm nhiệm vụ bên nước bạn đã trở về để tham gia chiến dịch. Các đại đoàn đều mong mỏi được đánh trận mở màn. Do Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiến quân sang Lào, đã trải qua những trận truy kích đường dài hàng trăm km, lực lượng và sức lực đã có phần bị tiêu hao nên không được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn vào cứ điểm Him Lam.

Tâm tư là tâm lý chung của Đại đoàn Quân tiên phong khi không được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn chiến dịch. Cuối cùng, do Đại đoàn 312 tuy phải tham gia kéo pháo, làm đường và xây dựng trận địa khá mệt nhọc, nhưng lực lượng còn nguyên vẹn, được Bộ chỉ huy Mặt trận chọn làm đơn vị chủ công mở màn đánh Him Lam.

Quân tiên phong đã “lỡ hẹn” với trận mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ như thế đấy...

Lần “lỡ hẹn” thứ hai – Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975

Rồi Đại đoàn 308 lại đi cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 18/3/1975, tại "Nhà con rồng", Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp. Trên cơ sở những suy nghĩ về khả năng phát triển của cách mạng miền Nam từ sau trận Buôn Ma Thuột, tổng hợp những ý kiến đã trao đổi tập thể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu: “Tình hình đang chuyển biến rất nhanh. Ta đang sung sức, lực lượng tập trung, khí thế mạnh mẽ. Quân uỷ Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976”.

Ngay chiều hôm ấy, Đại tướng vào Ninh Bình trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 1. Cùng đi có đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng. Các đồng chí Nguyễn Hòa, Tư lệnh và Hoàng Minh Thi, Chính uỷ Quân đoàn I đón đoàn tại Sở chỉ huy. Đại tướng ra lệnh cho quân đoàn kiểm tra mọi mặt chuẩn bị lên đường chiến đấu, tham gia vào chiến dịch cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Riêng Sư đoàn 308 để lại để bảo vệ thủ đô Hà Nội và hậu phương miền Bắc…

Toàn quân đoàn sôi nổi chuẩn bị ra quân trong khí thế quyết chiến quyết thắng. Chỉ có một thắc mắc phổ biến trong cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 là phải ở lại bảo vệ hậu phương, không được sát cánh cùng quân và dân miền Nam trực tiếp lập công trong thời cơ nghìn năm có một. Việc sử dụng Sư đoàn 308 ở lại miền Bắc làm nhiệm vụ dự bị chiến lược, bảo vệ Hà Nội và hậu phương tạo ra tâm tư rất lớn trong các chiến sĩ Quân tiên phong.

Ngày 26/3/1975, trực tiếp đồng chí Hoàng Kim, Chính uỷ sư đoàn 308 lên báo cáo Bộ Tổng tư lệnh đề đạt nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn xin được đi chiến đấu. Hiểu rõ tâm trạng của anh em 308, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân mật căn dặn: “Sư đoàn đang làm một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hãy giải thích cho anh em hiểu thế nào là một sư đoàn cận vệ của cách mạng trong lúc này. Hãy chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần đến. Sư đoàn 308 đang phụ trách một hướng trọng yếu của trận quyết chiến chiến lược đó”.

Vậy là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 308 lại một lần nữa lỡ hẹn, bước chân hào hùng của chiến sĩ Quân Tiên phong đã không được cùng đồng đội giải phóng miền Nam…

70 năm đã trôi qua kể từ ngày Đại đoàn Quân tiên phong 308, Anh Cả đỏ của QĐND Việt Nam dẫn đầu đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Lịch sử đã ghi nhận Quân tiên phong “lỡ hẹn” trong cả hai trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của Cách mạng Việt Nam.

Nhưng 308, Đại đoàn Quân tiên phong, với truyền thống quyết thắng của mình luôn nhận được những nhiệm vụ “khó khăn vượt mức bình thường” trong các thời điểm lịch sử của Cách mạng Việt Nam: Hành quân nghi binh để chúng ta có cơ hội chuẩn bị tốt cho phương án đánh chắc, tiến chắc tại Điện Biên Phủ và bảo vệ Trung ương, bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc khi toàn bộ bộ đội chủ lực đã hành quân vào giải phóng miền Nam.

Dù bất kỳ nhiệm vụ nào 308 đều hoàn thành vượt bậc và xuất sắc. Và hai lần “lỡ hẹn” lịch sử của 308 đã góp phần rất quan trọng để dân tộc Việt Nam viết nên những trang vàng trong thế kỷ 20...

* Bài viết sử dụng tư liệu từ Hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại thắng mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Kéo pháo vào – kéo pháo ra của Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu và một số tư liệu sưu tầm khác.

Khu rừng duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi thành lập 'đội quân chủ lực' đầu tiên của Cách mạng Việt Nam

Nữ Đoàn viên Việt Nam đầu tiên được Bác Hồ đào tạo làm tình báo: 12 tuổi thoát ly đi cứu nước, thành thạo cả tiếng Pháp, Anh và Trung

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dai-doan-quan-tien-phong-va-hai-lan-lo-hen-lich-su-2330064.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đại đoàn Quân tiên phong và hai lần “lỡ hẹn” lịch sử
    POWERED BY ONECMS & INTECH