70 năm giải phóng Thủ đô và ấn tượng về bác sĩ Trần Duy Hưng
Nhớ lại những năm tháng lịch sử khi Thủ đô được giải phóng, không thể không nhắc tới dấu ấn, công lao của bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Hà Nội. Ông là người đảm nhận cương vị này lâu nhất, cũng là người gần dân, có nhiều đóng góp trong xây dựng và kiến thiết Thủ đô. Bộ phim tài liệu Bác sĩ Trần Duy Hưng - một phẩm cách Hà Nội khắc họa phần nào chân dung một công dân ưu tú, nhận nhiệm vụ quan trọng với Thủ đô khi mới 33 tuổi.
Cuộc gặp khởi đầu cho hành trình cống hiến
Bộ phim Bác sĩ Trần Duy Hưng- một phẩm cách Hà Nội công chiếu ngày 10/10, đúng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đạo diễn Phạm Hằng Giang cho biết, để giúp mọi người hiểu hơn về bác sĩ Trần Duy Hưng trong quá trình ông làm Chủ tịch thành phố Hà Nội, ê-kíp cố gắng tìm kiếm các nhân vật từng được chứng kiến, làm việc dưới thời của ông.
Bác sĩ Trần Duy Hưng cùng Trung đoàn Thủ đô trong ngày trở về tiếp quản Hà Nội |
Bộ phim dài 25 phút, mở đầu bằng cuộc phỏng vấn của bác sĩ Trần Duy Hưng năm 1981. Ông kể về kỷ niệm lần đầu được gặp Bác Hồ vào mùa thu năm 1945. Ngay từ cuộc gặp đầu tiên, ông đã được Bác giao trọng trách đặc biệt bằng câu hỏi ngắn gọn: “Tôi biết chú là một bác sĩ. Bây giờ ra làm chủ tịch thành phố, chú nghĩ thế nào?”. Bác sĩ Trần Duy Hưng đáp: “Thưa Bác, nếu đoàn thể và Bác cử cháu làm công tác y tế, cháu rất yên tâm, xin làm hết sức. Nhưng ra làm chủ tịch, cháu chưa biết phải làm gì”. Hiểu nỗi băn khoăn đó, Bác Hồ thuyết phục rằng, dù ở cương vị nào cũng đừng nghĩ mình là ông quan cách mạng, mà phải là đầy tớ của nhân dân. Cuộc gặp ấy là khởi đầu cho một hành trình cống hiến trọn đời cho Thủ đô của vị bác sĩ tài ba.
Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912 tại làng Hòe Thị, xã Xuân Phương (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) trong gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Những thước phim nhắc lại quá trình học tập tại trường Bưởi, rồi trường Đại học Y Hà Nội của bác sĩ Trần Duy Hưng. Ông vừa học, vừa tham gia phong trào yêu nước của các trí thức trẻ Hà Nội thời bấy giờ. Ra trường, ông mở phòng khám tư hỗ trợ người nghèo. Đó cũng là cơ sở mật đón tiếp cán bộ cách mạng như nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, đồng thời cung cấp thuốc men cho chiến khu.
Ngày 4/11/1954, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội (sau này là Chủ tịch UBND TP Hà Nội), cho đến năm 1977. Theo lời ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà bác sĩ Trần Duy Hưng được giao giữ chức vụ này.
Bác sĩ Trần Duy Hưng có công quy tụ các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới nhân sĩ, trí thức và tư sản lớn như Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô,… góp công bảo vệ thành quả cách mạng. Xuất hiện trong bộ phim tài liệu, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định bác sĩ Trần Duy Hưng để lại ấn tượng sâu sắc với hình ảnh một trí thức nhận nhiệm vụ quản lý Thủ đô mà chưa có sự chuẩn bị nào, nhưng sẵn sàng cống hiến bằng lòng yêu nước và sự thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những quyết sách táo bạo
Hà Nội sau ngày giải phóng bị xáo trộn rất nhiều, từ quy hoạch đến đời sống người dân, chưa kể những khó khăn về kinh tế, rồi chiến tranh phá hoại. Chủ tịch Trần Duy Hưng có những quyết sách táo bạo để cải thiện đời sống dân sinh. Khoảng năm 1960-1965, rồi 1975-1980, ông ra chủ trương bán nhà cho công nhân viên chức. Quyết định này cho thấy tư duy rất mới, tinh thần dám nghĩ dám làm của bác sĩ Trần Duy Hưng.
Ông cũng chủ trương xây những khu tập thể rộng, sạch sẽ và phát triển nhà máy, trường đại học cho Thủ đô. “Trong bối cảnh Hà Nội thiếu thốn về nhu yếu phẩm, Chủ tịch Trần Duy Hưng kiến nghị để tư nhân tham gia sản xuất hàng tiêu dùng. Đó là những quyết định rất mới”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định.
Nhờ sự linh hoạt ấy, Hà Nội vượt qua thời kỳ thiếu thốn nghiêm trọng, nền kinh tế dần phục hồi ổn định, trở thành lá cờ đầu về năng suất lúa, lá cờ đầu về công thương nghiệp, về phong trào năm xung phong, ba sẵn sàng. Những công trình công cộng ở Thủ đô cũng mang dấu ấn của vị chủ tịch đầu tiên, đó là công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, là dự án quy hoạch mở rộng đường Thanh Niên,…
Bác sĩ Trần Duy Hưng cũng quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Hà Nội. Những thước phim tư liệu quý giá ghi lại buổi diễn của Đoàn ca múa Hà Nội với nhiều ca sĩ, nhạc công nổi tiếng. Đó là sáng kiến của bác sĩ Trần Duy Hưng để đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở Thủ đô.
“Danh lam thắng cảnh ở Hà Nội cũng được Chủ tịch Trần Duy Hưng quan tâm. Lúc ấy có chủ trương bỏ hồ, lấp hồ để làm nhà ở nhưng đồng chí Trần Duy Hưng cũng can thiệp, cho rằng nên giữ lại để tránh lũ lụt, cũng là bảo toàn nguyên vẹn nhiều di tích lịch sử”, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc nhớ lại.
Bà Trần Ánh Tuyết (giữa) - con gái bác sĩ Trần Duy Hưng - kể kỷ niệm về cha |
Thời ông Trần Duy Hưng làm chủ tịch thành phố, giáo dục Thủ đô cũng cải thiện đáng kể nhờ hệ thống trường học được xây mới. Nhà giáo Trần Thị Thúy Lan, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An nhớ lại, bác sĩ Trần Duy Hưng thường xuyên gặp gỡ giáo viên, trao đổi về vấn đề giảng dạy. Sau giải phóng, ông Trần Duy Hưng thường lấy những tấm gương tiêu biểu từ các trường phổ thông để thúc đẩy phong trào yêu nước cách mạng, dạy tốt học giỏi.
Những năm tháng đảm nhận cương vị chủ tịch thành phố, bác sĩ Trần Duy Hưng kiên định với phương châm lắng nghe, thấu hiểu và kịp thời giải quyết nhu cầu cấp thiết của nhân dân. Ông sát cánh với nhân dân trong những thời điểm chiến tranh ác liệt. Cuối năm 1972, ông trực tiếp có mặt ở những điểm nóng bị bom Mỹ bắn phá, thậm chí tự tay nhặt từng mảnh xương của người dân, đưa cẩn thận vào các quan tài.
Phẩm chất người Hà Nội làm nên tầm vóc lớn của bác sĩ Trần Duy Hưng. Năm 2005, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Hai thập kỷ giữ cương vị người đứng đầu Thủ đô, bác sĩ Trần Duy Hưng nhận được phần thưởng vô giá, đó là sự kính trọng, tin yêu của người dân với một con người tài ba, liêm khiết.
Buổi công chiếu phim tài liệu Bác sĩ Trần Duy Hưng - một phẩm cách Hà Nội có sự xuất hiện của vị khách đặc biệt: bà Trần Ánh Tuyết - con gái bác sĩ Trần Duy Hưng. Bà Tuyết luôn nhớ về người cha đáng kính với những phẩm chất giản dị, chân thành và mang nét hào hoa, phong nhã của người Hà Nội. “Tôi nhớ khi tôi 12 tuổi, được bố đưa đi một vòng Hồ Tây. Hồ Tây thời bấy giờ vẫn còn hoang vu. Lái xe đi một quãng, bố bảo tôi rằng: Sau này Hồ Tây sẽ được sửa sang lại và sẽ khang trang, đàng hoàng hơn. Có thể bố không nhìn thấy nhưng con sẽ nhìn thấy. Bố tôi vô cùng yêu và tự hào về Hà Nội”, bà Ánh Tuyết kể. Ông còn dạy các con tính tiết kiệm, sống chan hòa. Đêm 30 Tết, theo lời dặn của bác sĩ Trần Duy Hưng, cả gia đình chuẩn bị những gói quà nhỏ để gửi tặng những người lao công, công nhân vệ sinh môi trường.
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô
70 năm giải phóng Thủ đô: Cựu chiến binh kể chuyện tiếp quản Hà Nội