Đại gia bất động sản bị siết nợ gần 200 triệu USD, phải ‘tẩu tán’ siêu xe và du thuyền
Cam kết cá nhân khoản vay hơn 180 triệu USD trong một thương vụ nửa tỷ, tỷ phú bất động sản giờ đây phải chứng kiến Fortress ráo riết siết từng căn nhà, siêu xe và du thuyền để thu hồi nợ.
Cuối năm ngoái, một nhóm người đã đột ngột tiến vào Château de Chausse — dinh thự và vườn nho rộng 138 mẫu ở vùng Provence, miền Nam nước Pháp.
Khi đó, chủ nhân của khu bất động sản, tỷ phú địa ốc New York Charles Cohen, không có mặt. Nhóm người này không phải là trộm, mà là đại diện thi hành án theo lệnh tòa án Pháp, thực hiện việc thu giữ các tài sản cá nhân giá trị cao như tranh nghệ thuật, đồ nội thất và bộ sưu tập rượu vang của ông Cohen.
Bên đứng sau vụ việc là Fortress Investment Group — quỹ đầu tư có trụ sở tại New York, cho biết họ chỉ đang thu hồi khoản nợ mà Cohen phải trả. Năm 2022, Fortress cho công ty Cohen Realty Enterprises vay 535 triệu USD nhằm tái cấu trúc các khoản nợ cũ. Tài sản đảm bảo bao gồm một tòa nhà văn phòng tại Manhattan, khách sạn Le Méridien Dania Beach tại Florida và một loạt bất động sản khác.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là: Cohen còn ký bảo lãnh cá nhân cho 187,2 triệu USD trong khoản vay đó – cho phép Fortress siết nợ từ chính tài sản riêng của ông nếu công ty vỡ nợ.
Và giờ, kịch bản đó đã xảy ra.
Năm ngoái, công ty của Cohen không còn khả năng trả nợ, buộc Fortress phải tiếp quản hầu hết tài sản thế chấp. Nhưng theo họ, giá trị các tài sản đó vẫn không đủ để thu hồi hết nợ. Từ đó, Fortress chuyển sang thu giữ tài sản cá nhân của Cohen: biệt thự ở Provence (Pháp), căn nhà tại Greenwich (Connecticut, Mỹ), 25 chiếc xe hơi hạng sang – bao gồm hai chiếc Ferrari – cùng nhiều tài sản giá trị khác.

Đầu tháng này, một thẩm phán Ý ra lệnh cấm chiếc du thuyền dài 67 mét trị giá gần 50 triệu USD của Cohen rời cảng Loano nếu không có sự chấp thuận của tòa. Cohen đã sang tên con tàu này cho vợ vào năm ngoái.
Tranh chấp lên đến gia đình
Fortress cáo buộc Cohen chuyển nhượng trái phép các tài sản cá nhân – từ du thuyền, bất động sản trị giá hàng chục triệu USD đến cả Château de Chausse – cho người thân để tránh bị cưỡng chế. Tuy nhiên, Cohen khẳng định mọi giao dịch đều hợp pháp, nhằm phục vụ mục đích lập kế hoạch tài chính và thừa kế. Một tòa án Pháp đã đứng về phía ông trong vụ château tại Provence.
Cohen, người được ước tính có tài sản ròng gần 2 tỷ USD, cho biết ông đang bán một số bất động sản để trả nợ, nhưng quá trình này phức tạp và cần thêm thời gian. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Wall Street Journal, ông mô tả Fortress như “chim gõ cửa sổ không ngừng”: “Họ cứ gõ mãi, không bao giờ là đủ”.
Việc dùng tài sản cá nhân làm bảo đảm vay vốn là một con dao hai lưỡi đã gây ra nhiều vụ phá sản đình đám trong lịch sử bất động sản Mỹ. Ông Donald Trump từng lâm vào khủng hoảng tài chính đầu thập niên 1990 cũng vì những khoản vay kiểu này.
Tương tự, nhà phát triển Harry Macklowe cũng suýt sụp đổ thời khủng hoảng tài chính 2008–2009 do khoản vay có truy đòi cá nhân từ chính Fortress.
Từ đế chế gia đình đến cuộc chiến pháp lý dai dẳng
Charles Cohen, hiện 73 tuổi, là nhân vật quen thuộc trong giới bất động sản New York. Ông nổi bật với gu thời trang lịch lãm và kính mắt thép không gỉ.
Công ty gia đình ông bắt đầu từ việc bán ô tô, sau đó mở rộng sang phát triển các tòa tháp trên Đại lộ số 3 Manhattan khi tuyến đường sắt trên cao cũ bị tháo dỡ. Cohen trở thành Chủ tịch từ năm 1983, và trong tay ông, công ty đã tăng gấp ba quy mô – lên hơn 1,1 triệu mét vuông.
Không chỉ bất động sản, Cohen còn đầu tư mạnh vào điện ảnh. Công ty sản xuất phim của ông đã phát hành hơn 100 tác phẩm, bao gồm The Salesman – bộ phim giành giải Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 2017. Ông cũng từng mua lại chuỗi rạp chiếu phim ở Mỹ và châu Âu.

Fortress và Cohen từng là đối tác thân thiết suốt nhiều năm, với hàng trăm triệu USD đầu tư qua lại. Nhưng đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu văn phòng lao dốc, còn rạp phim thì vắng tanh.
Dù nhiều chủ bất động sản đồng loạt buông tay, Cohen vẫn tin rằng thị trường sẽ sớm phục hồi, một phần vì tình cảm với các bất động sản đã gắn bó với gia đình từ lâu. Hai bên đi đến một thỏa thuận tái cấu trúc nợ – bao gồm cả điều khoản bảo lãnh cá nhân.
Tuy nhiên, thị trường không kịp phục hồi. Khoản vay năm 2022 bị sửa đổi tới bốn lần mà tài sản vẫn không tạo đủ dòng tiền. Đến tháng 3/2024, công ty của Cohen chính thức vỡ nợ.
Cohen nói ông từng có “thỏa thuận miệng” với Fortress về việc gia hạn thêm lần nữa, nhưng phía Fortress bác bỏ. Tòa án bang New York đã xử thắng cho Fortress.
Cohen hiện đang rao bán tài sản để trả nợ. Nhưng trong lúc chờ đợi, Fortress đã phong tỏa tài khoản môi giới cá nhân của ông – cũng như tài khoản của mẹ và chị gái ông – với lý do họ liên quan đến việc nhận chuyển nhượng tài sản. “Gia đình ông ấy đang bị đảo lộn hoàn toàn”, luật sư của Cohen nói tại một phiên tòa vào tháng 5.
Đại diện Fortress nói họ không còn cách nào khác vì có nghĩa vụ phải thu hồi tiền cho nhà đầu tư – trong đó có cả các quỹ hưu trí và an sinh xã hội.

Giữa trận chiến pháp lý căng thẳng này, Cohen vẫn cố giữ tinh thần thép. “Tôi luôn giỏi trong việc cầm cự”, ông nói. “Đó là cách chúng tôi đã sống sót, và chúng tôi sẽ tiếp tục như vậy”.
Theo WSJ
>> Hãng xe Mỹ phá sản chỉ sau 5 năm tại Trung Quốc: Nợ hơn 14.000 tỷ đồng, bán nhà máy không ai mua