Thế giới

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: GDP quý II giảm tốc, thị trường bất động sản tiếp tục chìm trong khủng hoảng

Chung Khanh 15/07/2025 - 09:23

Cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Huang Yiping cùng hai nhà kinh tế khác cho rằng Bắc Kinh cần bổ sung tới 1.500 tỷ nhân dân tệ kích thích tài khóa, nhằm thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, bù đắp thiệt hại từ thuế quan Mỹ, đồng thời tiếp tục hạ lãi suất.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý II năm nay, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng, giá tiêu dùng trì trệ và thị trường bất động sản tiếp tục chìm trong khủng hoảng kéo dài suốt nhiều năm. Diễn biến này gây áp lực lớn lên chính quyền Bắc Kinh trong việc đẩy mạnh các biện pháp kích thích để giữ vững đà tăng trưởng.

Theo số liệu công bố hôm thứ Hai (14/7) từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái – nhỉnh hơn đôi chút so với mức dự báo 5,1% của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng 5,4% trong quý I.

Trong tháng 6, tăng trưởng doanh số bán lẻ chậm lại, chỉ đạt 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 6,4% ghi nhận trong tháng 5 và thấp hơn dự báo 5,4% của các chuyên gia kinh tế. Ngược lại, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực hơn, đạt 6,8% so với cùng kỳ năm trước – vượt mức kỳ vọng 5,7%.

Đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm chỉ tăng 2,8%, thấp hơn so với mức dự báo 3,6%. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị ổn định ở mức 5% trong tháng 6, sau khi từng chạm mức cao nhất trong hai năm (5,4%) hồi tháng 2.

Trước đó, vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 145%, buộc Bắc Kinh phải tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, bao gồm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trợ cấp cho các công ty tuyển dụng sinh viên mới ra trường, cũng như mở rộng chương trình đổi đồ tiêu dùng cũ lấy đồ mới nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa.

Đến tháng 5, hai bên đạt được một thỏa thuận “đình chiến”, cam kết dỡ bỏ phần lớn thuế quan đã áp lên nhau. Trong cuộc họp tại London hồi tháng 6, các nhà đàm phán hai nước thống nhất một khuôn khổ thương mại mới, theo đó Trung Quốc sẽ đẩy nhanh cấp phép xuất khẩu đất hiếm, trong khi Mỹ cam kết nới lỏng hạn chế về công nghệ cao và thị thực cho sinh viên Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn còn hạn chót đến ngày 12/8 để hoàn tất một thỏa thuận thương mại lâu dài với Washington. Trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 5 đã công bố một loạt chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi thuế quan, trong đó có việc hạ lãi suất và bơm thêm thanh khoản vào thị trường.

screenshot-2025-07-15-091214.png
GDP quý II Trung Quốc giảm

Những biện pháp kích thích này đã phần nào phát huy tác dụng. Cả các khảo sát chính thức lẫn tư nhân đều ghi nhận sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất. Xuất khẩu cũng duy trì sức bật tương đối, khi các doanh nghiệp Trung Quốc tăng tốc chuyển hướng sang các thị trường thay thế.

Tính đến tháng 6, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 10,9% trong năm nay, trong khi xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á và Liên minh châu Âu – hai đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc – tăng lần lượt 13% và 6,6%. Điều đó khiến tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm xuống còn 11,9% trong nửa đầu năm nay, so với mức 14,1% cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu hải quan công bố hôm thứ Hai.

Dù nền kinh tế Trung Quốc vẫn giữ được thế ổn định phần nào nhờ xuất khẩu mạnh và các gói hỗ trợ, nhiều nhà kinh tế cảnh báo các rủi ro mới đang tích tụ và kêu gọi Chính phủ cần có thêm kích thích tài khóa.

Cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Huang Yiping cùng hai nhà kinh tế khác cho rằng Bắc Kinh cần bổ sung tới 1.500 tỷ nhân dân tệ kích thích tài khóa, nhằm thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, bù đắp thiệt hại từ thuế quan Mỹ, đồng thời tiếp tục hạ lãi suất.

Mặc dù các dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng quý II có thể vượt mốc 5%, các nhà kinh tế cảnh báo rằng “các chỉ báo sâu hơn như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) yếu, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) giảm, tín dụng tăng chậm và tỷ lệ thất nghiệp trong lao động nhập cư cao cho thấy nền tảng kinh tế vẫn mong manh”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng để đảm bảo tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn, Trung Quốc cần thúc đẩy cải cách cơ cấu trong chính sách tài khóa, hệ thống lương hưu và lĩnh vực tài chính.

Tham khảo CNBC

>> Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: Một loạt công ty lao dốc, người dân ngậm ngùi thắt chặt chi tiêu

Tỉnh miền núi nghèo của Trung Quốc bất ngờ trở thành ngôi sao tăng trưởng mới, GDP vượt một loạt nước EU

Lộ diện top 10 quốc gia sở hữu nhiều dầu mỏ nhất thế giới: Nước số 1 đang chìm trong suy thoái, GDP bốc hơi 68%

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-thu-2-the-gioi-lung-lay-gdp-quy-ii-giam-toc-thi-truong-bat-dong-san-tiep-tuc-chim-trong-khung-hoang-146789.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: GDP quý II giảm tốc, thị trường bất động sản tiếp tục chìm trong khủng hoảng
    POWERED BY ONECMS & INTECH