Đạm Cà Mau chính thức 'rước' phân bón Hàn Việt về chung nhà, chuẩn bị xây thêm nhà máy 120 tỷ

04-04-2024 07:54|Mai Chi

Việc thâu tóm thành công phân bón Hàn Việt giúp đạm Cà Mau tăng năng lực sản xuất phân bón NPK lên gấp đôi.

Ngày 1/4, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (đạm Cà Mau - HoSE: DCM) và Tập đoàn Taekwang đã tiến hành Lễ ký kết thỏa thuận bàn giao Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF).

Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF) khởi công xây dựng vào tháng 7/2016 tại TP. HCM. Tháng 12/2017 nhà máy NPK Hàn – Việt của KVF chính thức đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 360.000 tấn NPK/năm. Nhà máy có tổng số vốn đầu tư là hơn 60 triệu USD.

Đạm Cà Mau chính thức 'rước' phân bón Hàn Việt về chung nhà, chuẩn bị xây thêm nhà máy 120 tỷ
Ông Lê Ngọc Minh Trí - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Đạm Cà Mau (bên phải) và ông Kim Kwang Chul - Tổng Giám đốc Phân bón Hàn - Việt (bên trái) thực hiện ký kết bàn giao. Ảnh: Petrotimes

KVF được thành lập theo hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm 51% vốn góp từ Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) và 49% vốn góp từ Huchems (công ty thành viên của Taekwang). Huchems hiện là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành hóa chất tinh chế tại Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul.

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư tháng 11/2023, ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau tiết lộ giá trị thương vụ tối đa khoảng 25 triệu USD. Công ty này tọa lạc tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè, TP HCM) với diện tích khoảng 8,8ha. Theo vị tổng giám đốc đánh giá, đây là mức giá tốt khi giá mua mặt bằng trên thị trường đã khoảng 17 triệu USD.

Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tăng sản lượng bán hàng của KVF lên 150.000 tấn và giúp công ty hết lỗ vào cuối 2024, có lãi từ 2025. Phía lãnh đạo đánh giá điều này không hề khó, khi chủ động được cả đầu ra và đầu vào của KVF.

>> Đạm Cà Mau (DCM) và hai kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh năm 2024

Thương vụ M&A nhằm thâm nhập thị trường NPK ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung (trong khi nhà máy NPK hiện tại chủ yếu phục vụ nhu cầu tại khu vực Tây Nam Bộ và Campuchia). Tại khu vực Tây Nam Bộ, phân Bón Cà Mau chiếm đến 61% thị phần.

Phân bón Cà Mau hiện đang sở hữu nhà máy đạm Cà Mau có khả năng sản xuất Urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm. Việc thâu tóm thành công Nhà máy KVF sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho đạm Cà Mau, giúp tăng năng lực sản xuất phân bón NPK lên hơn gấp đôi, đạt tổng 660.000 tấn/năm trong bối cảnh Nhà máy NPK của đạm Cà Mau đang hoạt động tối đa công suất.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định tháng 3/2024, PVCFC cũng được UBND tỉnh Bình Định trao chứng nhận đầu tư. Theo đó, PVCFC sẽ triển khai dự án nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau cơ sở Bình Định với quy mô 3ha, vốn đầu tư 120 tỷ đồng. bên cạnh đó, PVCFC cũng tăng cường sản lượng phục vụ thị trường cả nước và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu kinh doanh quốc tế cũng là một bước tiến trong 3 mũi chiến lược mà công ty tập trung năm 2024.

PVCFC hiện chiếm thị phần tại tất cả các thị trường khu vực trong nước. Đặc biệt, tại khu vực Tây Nam Bộ chiếm đến 61%, đồng thời sản phẩm của PVCFC cũng đã có mặt trên 20 quốc gia trên thế giới.

>> Đạm Cà Mau (DCM) đạt 1.400 tỷ đồng doanh thu trong 2 tháng, vượt 15% kế hoạch

Đạm Cà Mau (DCM) và hai kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh năm 2024

Đạm Cà Mau (DCM) đạt 1.400 tỷ đồng doanh thu trong 2 tháng, vượt 15% kế hoạch

Đạm Cà Mau (DCM) chi gần 120 tỷ đồng làm nhà máy sản xuất tại Bình Định

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dam-ca-mau-chinh-thuc-ruoc-phan-bon-han-viet-ve-chung-nha-chuan-bi-xay-them-nha-may-120-ty-229207.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đạm Cà Mau chính thức 'rước' phân bón Hàn Việt về chung nhà, chuẩn bị xây thêm nhà máy 120 tỷ
POWERED BY ONECMS & INTECH