Dân ồ ạt tích trữ, đem 1.000 tỷ USD đổ vào ngoại tệ, chuyện gì đang xảy ra ở nền kinh tế số 1 châu Á?
Trong bối cảnh lãi suất trong nước vẫn ở mức thấp và kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá, các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc đang ồ ạt tích trữ ngoại tệ, đẩy lượng tiền gửi bằng ngoại tệ nội địa lên mức cao nhất trong vòng 3 năm.
Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tổng tiền gửi bằng ngoại tệ tại Trung Quốc đại lục đã tăng lên 1.020 tỷ USD vào tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng tiền gửi ngoại tệ tăng ròng tới 165,5 tỷ USD – mức tăng lớn nhất kể từ khi PBOC bắt đầu công bố dữ liệu này vào năm 2005.

Việc người dân và doanh nghiệp đổ tiền vào ngoại tệ phản ánh sự suy giảm niềm tin vào nền kinh tế và kỳ vọng rằng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá – ngay cả khi đồng USD đang suy yếu do các chính sách tài khóa và thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.
Đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm cũng thấp hơn dự báo, cho thấy doanh nghiệp đang ngày càng thận trọng trong mở rộng sản xuất.
Bà Becky Liu, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered Bank, nhận định: “Tỷ lệ chuyển đổi từ ngoại tệ sang nhân dân tệ thấp là do chênh lệch lãi suất lớn – lãi suất USD cao hơn đáng kể so với nhân dân tệ”.
Bà cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang muốn đa dạng hóa hoạt động ra thị trường toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu và niềm tin vào khả năng phục hồi của đồng nhân dân tệ tiếp tục suy giảm – ngay cả khi đồng USD giảm giá.
Năm 2025, đồng nhân dân tệ đã có sự phục hồi sau 3 năm liên tiếp lao dốc, nhờ đồng USD mất hơn 8%. Tuy vậy, đà tăng của nhân dân tệ vẫn yếu hơn so với hầu hết các đồng tiền châu Á khác, khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn chịu áp lực giảm phát và có khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Tháng 6 vừa qua, cả người dân và doanh nghiệp phi tài chính đều tăng lượng tiền gửi ngoại tệ. Thặng dư thương mại của Trung Quốc cũng đạt 114,8 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 tháng, góp phần gia tăng dòng ngoại tệ quay về trong nước thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, một số tín hiệu gần đây cho thấy tâm lý "ôm đô la" có thể đang hạ nhiệt. Điểm hoán đổi (swap points) trong thị trường ngoại hối đã giảm, cho thấy nhu cầu USD phần nào suy yếu.
Dù vậy, quá trình rút khỏi đồng USD nhiều khả năng sẽ diễn ra chậm rãi, do lãi suất Mỹ vẫn cao hơn đáng kể so với Trung Quốc, trong khi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đang dần mờ nhạt.
Bà Liu cảnh báo thêm, “Trong nửa cuối năm, khả năng nhân dân tệ mất giá cao hơn khả năng tăng giá, do tăng trưởng yếu, xuất khẩu giảm và dòng vốn đầu tư chứng khoán ra nước ngoài có thể tăng sau các nới lỏng gần đây. Tiền gửi ngoại tệ sẽ còn tiếp tục tăng”.
>> Chấm dứt ‘đua phá giá’: Trung Quốc phát tín hiệu mạnh tay sau 33 tháng giảm phát
AI mới của Trung Quốc gây sốc: Lập trình giỏi hơn ChatGPT, giá rẻ chưa từng có
Ông Trump bật đèn xanh, Nvidia chuẩn bị nối lại hoạt động bán chip AI cho Trung Quốc