Nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ nhiều thập kỷ tuyến đường sắt hơn 122.738 tỷ đồng, khiến EU dè chừng
Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy kết nối với các quốc gia khác bằng cách mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc, một lãnh đạo cấp cao của siêu cường này khẳng định.
Phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Đường sắt cao tốc thế giới lần thứ 12 tổ chức tại Bắc Kinh mới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh cho biết nước này có kế hoạch thúc đẩy cả “kết nối cứng” về hạ tầng và “kết nối mềm” về tiêu chuẩn và quy tắc, nhằm đưa đường sắt cao tốc trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường.

“Trung Quốc cam kết triển khai cả các dự án lớn lẫn những sáng kiến nhỏ, lấy con người làm trung tâm, nhằm mang lại lợi ích thiết thực”, ông Trương phát biểu tại sự kiện – vốn là diễn đàn toàn cầu về phát triển và công nghệ đường sắt cao tốc.
“Khi thực hiện các dự án đường sắt cao tốc ở nước ngoài, chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ về hạ tầng và đào tạo kỹ năng, nhằm mang lại lợi ích tốt hơn cho người dân ở mọi quốc gia”.
Ông Trương cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án đường sắt trọng điểm như tuyến đường sắt Hungary - Serbia, đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan và đường sắt Trung Quốc -Thái Lan, đồng thời tham gia xây dựng các tiêu chuẩn đường sắt quốc tế.
Tuyến đường sắt Hungary - Serbia đánh dấu “bước chân đầu tiên” của đường sắt cao tốc Trung Quốc vào châu Âu, được thiết kế để kết nối hai thủ đô Budapest và Belgrade. Theo Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić, một phần tuyến tại Serbia đã đi vào hoạt động từ năm 2022 và toàn tuyến dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Tuy nhiên, dự án này – đặc biệt là đoạn đi qua Hungary – cũng đã vấp phải sự giám sát của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh EU ngày càng lo ngại về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt giai đoạn hai của dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc- Thái Lan vào đầu năm nay, với thời điểm vận hành dự kiến là năm 2030. Mốc này chậm gần một thập kỷ so với kế hoạch ban đầu, do vướng mắc về tài chính, thiết kế, cùng với tác động của đại dịch Covid-19.
>> Tuyến đường sắt trọng điểm liên tục bị trộm thiết bị, nhà thầu Trung Quốc lỗ 7,7 tỷ đồng mỗi ngày
Sau nhiều thập kỷ bị đình trệ, tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan nhằm kết nối khu vực biên giới Tây Bắc Trung Quốc với một số thành phố ở hai quốc gia Trung Á đã bắt đầu xây dựng toàn diện từ đầu năm nay. Với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD (hơn 122.738 tỷ đồng), giai đoạn đầu dự kiến hoàn thành vào cuối thập kỷ này.
“Trong bối cảnh hiện nay với nhiều cuộc khủng hoảng và thách thức, từ chia rẽ địa chính trị đến bất ổn toàn cầu, việc mở ra những tuyến giao thông mới là vô cùng cấp thiết. Tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan chính là một giải pháp như vậy”, Phó Thủ tướng Kyrgyzstan Bakyt Torobayev phát biểu tại cùng sự kiện.

Tuyến đường dài 304km này sẽ tạo ra hành lang đường sắt ngắn nhất kết nối giữa phương Đông và phương Tây, cung cấp lối tiếp cận trực tiếp đến các thị trường châu Âu và Trung Đông, hình thành một động mạch giao thông quan trọng, ông Torobayev nói.
“Tuyến đường sắt Trung Quốc – Kyrgyzstan - Uzbekistan sẽ tái định hình bức tranh thương mại toàn cầu”.
Ông Trương cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường phối hợp quy hoạch phát triển đường sắt cao tốc với các quốc gia khác, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, sản xuất thiết bị và quản lý vận hành.
Tính đến cuối năm 2024, mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc đã đạt 48.000km – chiếm hơn 70% tổng chiều dài đường sắt cao tốc toàn cầu, theo số liệu chính thức.
Ông Vương Lập Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Quốc gia Trung Quốc cho biết nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã hợp tác với hơn 40 quốc gia và khu vực tại châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi trong các lĩnh vực như quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đường sắt.
Một số dự án tiêu biểu ở nước ngoài đã hoàn thành bao gồm tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào và tuyến kết nối Jakarta - Bandung ở Indonesia.
Theo Bangkok Post/SCMP
>> Vụ tòa nhà chọc trời 63 triệu USD đổ sập trong vài phút: Nhà thầu Trung Quốc gian lận vật liệu?