Đất đấu giá các tỉnh hốt bạc một thời giờ ế ẩm, có nên đổ tiền đầu tư?
Đất đấu giá có lợi thế pháp lý rõ ràng, đấu giá xong là có “sổ đỏ”, hạ tầng có sẵn, một thời tạo nên cơn sốt, nhiều nhà đầu tư hốt bạc. Vậy có nên đầu tư đất đấu giá ở các tỉnh thời điểm này?
Rầm rộ đấu giá đất
Từ cuối tháng 8 và sang tháng 9 tới, nhiều tỉnh có kế hoạch đấu giá hàng trăm lô đất. Đơn cử, tỉnh Quảng Trị đấu giá 204 lô đất ở các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng và Gio Linh, với mức giá khởi điểm thấp nhất từ 156 triệu đồng/lô, cao nhất hơn 3,4 tỷ đồng/lô.
Hay Nam Định cũng đấu giá 237 lô đất, trong đó có 179 lô đất ở TP Nam Định và 58 lô đất ở huyện Nam Trực. Giá khởi điểm từ 2 triệu đồng đến 25,2 triệu đồng/m2.
Tương tự, Lào Cai đấu giá 53 lô đất với giá khởi điểm thấp nhất hơn 350 triệu đồng/lô. Hay Bình Định sắp đấu giá 110 lô đất với giá khởi điểm từ hơn 1 tỷ đồng đến hơn 6,6 tỷ đồng/lô.
Thế nhưng, các cuộc đấu giá đất gần đây kém sôi động khi số hồ sơ tham gia đấu giá không nhiều.
Chẳng hạn, cuối tháng 7 vừa qua, Nam Định tổ chức đấu giá 222 thửa đất cho nhân dân làm nhà ở tại Khu đô thị mới phía Nam sông Đào, TP Nam Định. Hết hạn đăng ký hồ sơ, có 43 thửa đất đủ điều kiện đưa ra đấu giá khi chỉ có 180 hồ sơ trên tổng số 84 khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá.
Tại Bắc Giang, số liệu từ Sở Tư Pháp Bắc Giang cho thấy, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh tổ chức 47 cuộc đấu giá đất. Trong đó, đấu giá quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân là 43 cuộc. Tổng số tài sản đưa ra đấu giá là 2.313 lô đất với tổng diện tích 253,761 m2.
Tỷ lệ đấu giá không thành công chiếm đa số chiếm 57,4% (1.327 lô đất), đấu giá thành công 986 lô (42,6%).
Có nên đầu tư đất đấu giá lúc này?
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản (EZ Property) cho hay, hàng năm, các tỉnh đều có nguồn thu từ đấu giá đất, thế nhưng năm nay nhiều tỉnh đang không đạt chỉ tiêu. Lượng khách tham gia đấu giá rất ít.
Nhiều cuộc đấu giá đất không thành công hoặc chỉ thành công một phần, theo ông Toản, lý lo bởi từ sang năm 2023 nhưng vẫn dựa trên mặt bằng giá chung của đợt đấu giá năm 2022.
Mức giá khi đó rất cao nên giá khởi điểm giờ không phù hợp, cao hơn mặt bằng giá chung. Cùng với đó, một phần do thị trường bất động sản trầm lắng.
“Đất đấu giá bám giá thị trường rất chậm vì họ đều phải xây dựng kế hoạch trước cả năm. Trước đây, thị trường đất đấu giá đa phần do các nhà đầu tư, đầu cơ tham gia là chính. Khi lượng nhà đầu tư đó rút, gần như thị trường trầm lắng, đất đấu giá “ế” khá nhiều. Trừ những lô đất có vị trí đẹp thu hút người dân xung quanh mua để ở”, ông Toản nói.
Đất đấu giá có tiềm năng và có nên đầu tư lúc này?
Trả lời câu hỏi này, ông Toản cho hay, đất đấu giá có lợi thế pháp lý rõ ràng, đấu giá xong là có sổ đỏ, hạ tầng có sẵn. Đa phần đất đấu giá đều nằm ở vị trí phù hợp để ở, hầu hết các địa phương đều bố trí dọc các tuyến đường hoặc bám khu dân cư.
Ông cho rằng, đất đấu giá có nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người mua để ở hoặc người mua đầu tư lâu dài.
Tuy nhiên, đất đấu giá khi định giá phải phù hợp, bám sát giá thị trường. Không thể dùng giá khi thị trường sốt nóng để vẫn áp dụng khi thị trường đang trầm lắng như hiện nay.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc điều hành CLB Nhà đầu tư Bất động sản NAC cho rằng, muốn mua đầu tư dài hạn thì nên mua các sản phẩm có tính sử dụng cao, có vị trí tốt tại Hà Nội, TP. HCM.
“Tham gia đầu tư đất đấu giá tại các tỉnh thời điểm này là không nên do sức cầu yếu. Những sản phẩm đất đấu giá trước đây ở Hà Nội và TP. HCM, nay đã điều chỉnh giá ở mức 15-20%, ở vị trí có quy hoạch thật, tiềm năng về hạ tầng thì có thể cân nhắc mua”, ông Duy nêu quan điểm.
Khởi tố 5 đối tượng vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở Sóc Sơn
Đề xuất đấu giá khu đất 282ha sát sườn sân bay lớn nhất Việt Nam