Dự án này giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh trên cả 3 lĩnh vực không - thủy - bộ.
Sân bay đầu tiên của Quảng Trị
Cụ thể, theo kế hoạch, sân bay đầu tiên của tỉnh Quảng Trị sẽ được xây dựng tại xã Gio Quang và Gio Mai, huyện Gio Linh, cách TP Đông Hà khoảng 7km. Sân bay Quảng Trị cách sân bay Đồng Hới khoảng 93km về phía Bắc và cách sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 88km về phía Nam.
Đường cất, hạ cánh tại đây sẽ có kích thước 2.400m, rộng 45m, kết cấu đường đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương. Cùng đó, sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối và sân đỗ máy bay đảm bảo cho 5 vị trí đỗ tàu bay.
Nhà ga hành khách được quy hoạch tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu bay dân dụng, có 2 cao trình, công suất 1 triệu khách/năm, có đất dự trữ mở rộng quy hoạch xây thêm khi có nhu cầu.
Đối với nhà ga hàng hoá, do khối lượng hàng hoá vận chuyển giai đoạn đầu chưa cao nên khi xây dựng nhà ga hành khách sẽ tính toán và bố trí mặt bằng xử lý hàng hoá, hành lý trong khu vực nhà ga hành khách. Tuy nhiên, vẫn dự trữ đất để xây dựng nhà ga hàng hóa khi nhu cầu tăng cao.
Quy hoạch cũng đã tính đến các công trình bảo đảm hoạt động bay cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khác. Khi quy hoạch được duyệt, khách đến Quảng Trị bằng đường hàng không sẽ không còn phải bay một chuyến bay trung gian đến sân bay Phú Bài (Huế) hoặc sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), sau đó mới tiếp tục đi đường bộ về đây như trước.
Dự án được chia thành 2 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 (Giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ quan nhà nước tại Cảng hàng không) sẽ thực hiện theo hình thức đầu tư công; Dự án thành phần 2 (xây dựng cảng hàng không) sẽ thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho cả 2 giai đoạn của dự án là 5.822,9 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 2.913,6 tỷ đồng bao gồm: vốn do Nhà đầu tư huy động là 2.680,5 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 380 tỷ đồng, vốn vay tín dụng là 2.300,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư là 233,103 tỷ đồng.
Cảng hàng không Quảng Trị cho phép đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách và khoảng 30.000 tấn hàng hóa/năm.
Đưa vùng ‘đất lửa’ cất cánh
Nếu hạ tầng giao thông được coi là xương sống để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế thì cảng hàng không chính là cú hích để tăng tốc mọi mặt. Với Quảng Trị, cảng hàng không Quảng Trị được đánh giá sẽ giúp địa phương này khai phóng hết mọi tiềm năng.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, sân bay này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và dịch vụ, vận chuyển chuyên gia, nguồn lao động chất lượng cao được dự báo sẽ tăng đột biến những năm tới. Sân bay còn là nơi phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay… tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư lớn với hàm lượng chất xám cao.
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc TP. Đông Hà, vị trí của sân bay Quảng Trị được đánh giá là lý tưởng để mở rộng vành đai đô thị. Rộng hơn, sây bay được đánh giá là bước đột phá giúp việc đi lại giữa TP. Đông Hà đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng trở nên dễ dàng, đơn giản…
Cùng với đó, hàng loạt hạ tầng giao thông quan trọng đang gấp rút triển khai gồm cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, cảng nước sâu Mỹ Thủy... giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh trên cả 3 lĩnh vực không - thủy - bộ.
Những điều kiện thuận lợi này mở ra cơ hội để thu hút tầng lớp tinh hoa, lượng lớn cư dân có thu nhập cao, chuyên gia nước ngoài đến TP. Đông Hà làm việc, an cư và cả hàng trăm ngàn khách du lịch đổ về đây mỗi năm.
Đặc biệt, Quảng Trị còn là địa phương có nhiều di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hấp dẫn khách du lịch như biển Cửa Tùng, huyện đảo Cồn Cỏ, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải... cùng hàng loạt địa điểm tham quan hấp dẫn. Sự ra đời của cảng hàng không trên địa bàn tỉnh chính là bàn đạp để ngành du lịch địa phương tại đà bứt tốc.