Đất nước bước vào kỷ nguyên mới không thể thiếu sự 'chung lưng, đấu cật' của doanh nhân
Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, để đội ngũ doanh nhân thực hiện được sứ mệnh đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Nhà nước cần có những cú hích xây dựng nên những thương hiệu Việt Nam.
Đại hội 13 của Đảng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 Việt Nam “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; đến năm 2045, Việt Nam “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Để hiện thực mục tiêu này không thể thiếu sự “chung tay, góp sức” của đội ngũ doanh nhân nước nhà như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh “doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển”.
VietNamNet đã có cuộc trò chuyện cùng với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề này.
Cần những cú hích từ Nhà nước
Là một ĐBQH, vừa là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông thấy đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay đã đủ sức để “gánh vác” trọng trách này?
Để trả lời câu hỏi này trước hết tôi cho rằng cần phải đánh giá đúng vai trò của đội ngũ doanh nhân nói riêng và của khu vực kinh tế tư nhân nói chung trong tình hình hiện nay.
Nghị quyết Đại hội 12, Nghị quyết Trung ương 10 khóa 12 và Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đều nhấn mạnh kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Nghị quyết 41/2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới cũng khẳng định quan điểm: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ chúng ta phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới.
Trong đó, các doanh nghiệp khu vực tư cần có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp, cùng đất nước, cùng dân tộc tiếp tục đi lên, phát triển nhanh và bền vững.
Điều đó cho thấy rằng, Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định rất rõ vai trò, vị trí rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong tiến trình phát triển đất nước.
Và vì thế, đất nước bước vào kỷ nguyên mới thì không thể thiếu sự “chung lưng, đấu cật” của đội ngũ doanh nhân nước nhà. Đó không chỉ là trách nhiệm mà như Thủ tướng đã nói, đó còn là sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân.
Tuy nhiên phải khẳng định rằng “một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”, nếu để đội ngũ doanh nhân “bơ vơ”, doanh nghiệp khu vực tư "tự bơi" thì không thể nào gánh vác được trọng trách này mà họ cần những cú hích từ Nhà nước để thực hiện sứ mệnh của mình.
Vậy theo ông thì những cú hích đó là gì?
Theo tôi, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách phát triển đối với từng loại doanh nghiệp.
Cụ thể với các doanh nghiệp lớn thì cần những chính sách thúc đẩy họ tiếp tục phát triển nhưng theo hướng vững mạnh.
Bản thân các doanh nghiệp lớn thì họ đã lớn rồi, không cần sự hà hơi, tiếp sức của Nhà nước nhưng vấn đề là phải làm sao để giữ được họ lớn nhưng khỏe mạnh. Bởi hiện nay hầu hết các ông lớn của mình dựa vào vào bất động sản, giàu lên từ đất nhưng đất thì có hạn, không thể mãi dựa vào đất được.
Cho nên để doanh nghiệp lớn thực sự phát triển, phải tạo điều kiện cho họ phát triển về sản xuất. Từ đó mới xây dựng nên những thương hiệu Việt Nam vươn mình ra toàn cầu.
Tôi đánh giá rất cao khi mới đây Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp các doanh nghiệp lớn và Thủ tướng đã lắng nghe các kiến nghị của họ. Từ đó, Chính phủ cần đưa ra những cơ chế, chính sách tạo những cú hích cho những doanh nghiệp này.
Như kinh nghiệm của Trung Quốc, họ có chính sách hỗ trợ, bù giá cho doanh nghiệp sản xuất ô tô điện hiện đại, giá rẻ bán cho người dân và xuất khẩu ra ngoài; thậm chí là hỗ trợ chi phí cho người dân mua xe nội địa để phát triển ngành ô tô điện của mình.
Bên cạnh các “ông lớn” là các doanh nghiệp vừa. Đây là lực lượng vô cùng quan trọng, quan trọng hơn cả “ông lớn”. Doanh nghiệp vừa của chúng ta có mặt ở nhiều ngành. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp vừa làm chuyển đổi xanh, chuyển đổi số rất chuẩn.
Nhưng hiện nay họ tự làm theo kênh của họ và cũng chỉ dừng lại ở phát triển vừa vừa chứ không thể lớn thêm được.
Khi bàn về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2016 tôi đề nghị rất nhiều là phải hỗ trợ, giảm thuế cho các “ông vừa”, bởi đây là những ông làm ra tiền của thực sự.
Tôi nghĩ, để đẩy nền kinh tế lên thì vai trò của các “ông vừa” đóng góp rất nhiều. Vấn đề là Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để đẩy các "ông vừa" này thành các "ông lớn".
Còn với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì Nhà nước cần có những chính sách động viên, chấp cánh, bồi dưỡng họ để họ lớn dần dần.
Khi Nhà nước có chính sách phù hợp với từng loại doanh nghiệp như vậy thì mới giải quyết được mục tiêu đặt ra đến năm 2030 Việt Nam “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; đến năm 2045, Việt Nam “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Nghe lãnh đạo nói, mình rất yên tâm nhưng cứ xuống dưới là tắc
Ngoài các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, theo ông trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần quan tâm đến những vấn đề gì?
Một vấn đề theo tôi hết sức quan trọng nếu mà không làm, không tập trung, không đầu tư thì đất nước sẽ thụt lùi, đó là công nghệ và chuyển đổi số.
Người Châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng có điều rất đáng quý là ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số rất nhanh.
Tôi rất mừng là Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm quan tâm vấn đề này khi nêu rõ “chuyển đổi số là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Tuy nhiên, tôi lại rất lo nếu chúng ta không tập trung vào hạ tầng công nghệ, hạ tầng về chuyển đổi số ngay từ bây giờ thì sẽ bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này.
Thủ tướng ủng hộ rất nhiều, chính sách ban hành cũng rất nhiều rồi, thế nhưng đội ngũ thực sự làm trong lĩnh vực này vẫn rất lẻ tẻ.
Câu chuyện bây giờ là làm như thế nào? Tôi nghĩ muốn làm được thì phải có quỹ thu hút nhân tài. Quỹ này do doanh nghiệp đóng góp, không có sự tham gia của ngân sách Nhà nước. Còn người tài do những người quan trọng đánh giá thế nào là tài để sẵn sàng đầu tư thu hút họ phục vụ đất nước.
Quỹ thu hút nhân tài hoạt động theo điều lệ, phải chi đúng mục đích, không được dùng vào các mục đích khác. Nhà nước chỉ kiểm tra xem quỹ có hoạt động đúng điều lệ không.
Hiện nay nhiều người tài, chuyên gia ở nước ngoài muốn về Việt Nam cống hiến nhưng cơ chế tiền lương của mình không thể trả lương cao cho họ thì chúng ta có thể sử dụng quỹ này để thu hút họ. Ví dụ, một người giỏi về Việt Nam cống hiến, có thể trả lương cho họ 10.000 USD/tháng từ nguồn quỹ này.
Tôi nghĩ nếu Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng đứng ra kêu gọi để gây quỹ, chắc chắn sẽ được sự ủng hộ. Một khi các lãnh đạo đứng lên kêu gọi, doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp.
Theo ông, cái khó của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội luôn yêu cầu “cởi trói”, cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nghe các lãnh đạo nói, mình rất yên tâm nhưng cứ xuống dưới là tắc ngay, cứ đá đi đá lại, không chạy được. Bao nhiêu dự án không chạy được chỉ vì những thủ tục lằng nhằng. Đây là vấn đề doanh nghiệp kêu rất nhiều.
Tôi làm Phó chủ tịch Hội đồng từ vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng mấy năm qua thì thấy, cứ thay đổi được cái giấy phép con này thì lại “đẻ” ra một giấy phép khác.
Vấn đề bây giờ là cải cách như thế nào. Theo tôi, công nghệ và chuyển đổi số sẽ giải quyết được rất nhiều thứ. Các thủ tục hành chính thực hiện trên môi trường mạng, người dân, doanh nghiệp không phải gặp cán bộ. Giấy tờ thủ tục đủ rồi buộc người có thẩm quyền phải ký.
Đi cùng với cải cách thủ tục, cần tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức, ít nhất bảo đảm mức sống bình thường cho họ. Làm trong cơ quan Nhà nước, nếu lương đủ sống để nuôi con, họ sẽ chú tâm cống hiến. Lương không đủ sống thì phải “chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia”, rồi sinh ra tham nhũng “vặt”.
Tôi từng nói, tại sao chúng ta đầu tư hàng triệu tỷ cho hạ tầng, đường sá, mà sao không đầu tư hàng triệu tỷ cho con người là vì thế.
Không có doanh nghiệp nào không muốn lớn cả
Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: “Chính phủ cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”. Ông suy nghĩ gì về lời cam kết này, nhất là trong bối cảnh hiện nay?
Đây là một lời cam kết chấn an các doanh nghiệp rất nhiều, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi nhiều quy định của pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, rõ ràng, vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.
Từ khi làm Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói rất nhiều về câu chuyện này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng vậy. Tuy nhiên để đi đến tận cùng vấn đề thì cần rà soát lại các quy định của pháp luật một cách có hệ thống.
Tôi đang có ý tưởng kiến nghị với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an cần vạch ra thế nào là vi phạm kinh tế, không hình sự hóa với trường hợp nào, cần phải có ranh giới rành mạch.
Còn doanh nghiệp lợi dụng chính sách pháp luật của Nhà nước để lũng đoạn thị trường chứng khoán, đưa hối lộ… thì phải hình sự, đó là đương nhiên.
Quan trọng là xác định quan hệ kinh tế nào không nên hình sự hóa, tạo hành lang pháp lý để người thi hành công vụ yên tâm làm, doanh nghiệp cũng yên tâm áp dụng.
Bộ trưởng KH – ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay nước ta có 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Con số này kéo dài trong nhiều năm nay, phải chăng là do doanh nghiệp Việt Nam “không chịu lớn” hay là “không thể lớn”, thưa ông?
Không có doanh nghiệp nào không muốn lớn cả. Tất cả doanh nghiệp đều muốn lớn nhưng khả năng có lớn được không, hay ngành nghề có cho phép lớn hay không, đấy mới là vấn đề.
Trong đó phải kể đến số lượng doanh nghiệp hiện nay đóng góp cho GDP lớn nhất. Doanh nghiệp vừa muốn thành doanh nghiệp lớn lắm chứ, muốn nổi tiếng lắm chứ.
Bên cạnh quyết tâm của doanh nghiệp, tôi nghĩ Nhà nước cần có các chính sách để doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp lớn lên như tôi đã nói ở trên.
Và tôi rất mừng là vừa qua Chính phủ đã cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc với tinh thần "tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển".
Ngoài ra, tôi cho rằng cần có cơ chế để thu hút nguồn vốn trong dân đưa vào đầu tư phát triển. Để làm việc này, nếu Chính phủ có thể bán trái phiếu như của doanh nghiệp, người dân sẵn sàng gửi tiền vào Chính phủ ngay. Nếu Chính phủ vay của nước ngoài trả bao nhiêu %, vay của người dân trả bấy nhiêu %, người dân sẽ bỏ tiền ra ngay. Khoản tiền này có thể đầu tư cho đất nước phát triển, lúc đó người dân lại được hưởng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần nghiên cứu phát triển đồng tiền số. Nếu không đưa vào sàn giao dịch tiền số, mỗi năm Việt Nam thất thu khoảng hơn 3 tỷ USD và ngược lại nếu có sàn để có thể thu thuế, mỗi năm ta có thêm 3 tỷ USD.
Việc này, Chính phủ đã yêu cầu từ 2021-2025, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp phải nghiên cứu về đồng tiền số. Đến thời điểm này, nước ta vẫn không công nhận tiền số nhưng tiền số vẫn hoạt động, vẫn tồn tại và người dân Việt Nam đang chơi đồng tiền số đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Chuyển đổi số dứt khoát phải thành lập sàn tiền số. Nếu chúng ta không lập sẽ rất phí, vì đây là kênh đầu tư, thu hút vốn, đừng sợ rửa tiền.
Hai nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á trong ngành ngân hàng nắm giữ khối tài sản tỷ đô
Thu nhập khủng và tài sản đáng nể của 3 nữ doanh nhân Việt lọt top quyền lực nhất châu Á