Hai nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á trong ngành ngân hàng nắm giữ khối tài sản tỷ đô
Hai nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á không chỉ sở hữu khối tài sản đáng mơ ước mà còn ghi dấu ấn mạnh mẽ với vai trò lãnh đạo và tầm ảnh hưởng lớn.
Tạp chí Fortune vừa công bố danh sách 100 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với sự góp mặt của ba đại diện Việt Nam: bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, và bà Mai Kiều Liên.
Trong đó, bà Thảo và bà Diễm nổi bật với vai trò trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Cả hai đã xây dựng được khối tài sản khổng lồ và vị thế vững chắc trong ngành, khẳng định sự ảnh hưởng mạnh mẽ của phụ nữ Việt Nam trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - tỷ phú đô la
Sinh năm 1970, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã khẳng định tên tuổi của mình không chỉ tại Việt Nam mà còn trên trường quốc tế, là một trong những nữ doanh nhân hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
Với vai trò Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank (HDB), từ năm 2008, bà đã dẫn dắt ngân hàng vượt qua nhiều thách thức, thực hiện các cải cách đổi mới và đưa HDBank vươn lên mạnh mẽ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, HDBank lọt vào top 10 ngân hàng có tăng trưởng tốt nhất ngành, với lợi nhuận trước thuế đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 26,1%, dẫn đầu trong nhóm các ngân hàng có vốn hóa lớn.
Không chỉ dẫn đầu về tăng trưởng, HDBank còn là một trong những ngân hàng tiên phong tài trợ các dự án năng lượng tái tạo, triển khai các sản phẩm tín dụng xanh. Mới đây, HDBank vinh dự nhận giải thưởng "Ngân hàng Xanh của năm" tại Better Choice Awards 2024.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nguồn: Internet |
>> Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lọt top 100 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á
Ngoài tài chính – ngân hàng, bà Thảo còn là Chủ tịch HĐQT Vietjet Air (VJC). Bà từng có lời khẳng định mạnh mẽ về tầm nhìn chiến lược tại hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp ngày 21/9: “Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới”.
Theo báo cáo "Vận tải hàng hóa hàng không - Động lực mới" của Kirin Capital, 5 tháng đầu năm, Vietjet nắm 42,8% thị phần hàng không tại Việt Nam. Vietjet hiện sở hữu hơn 100 tàu bay mới, hiện đại, đã vận chuyển hơn 200 triệu lượt khách trên gần 150 đường bay nội địa và quốc tế.
Năm 2023, Vietjet đã chuyên chở 6,8 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp lớn vào du lịch với nhiều đường bay mới kết nối Việt Nam với các thị trường lớn như Ấn Độ, Indonesia, Australia, và Kazakhstan.
Để đạt được những con số trên là sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ ban lãnh đạo Vietjet trong đó có bà Thảo khi đứng trước những khó khăn hậu dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, bà Thảo còn là Chủ tịch Tập đoàn Sovico, một doanh nghiệp sở hữu tổng tài sản khổng lồ lên đến hơn 187.400 tỷ đồng vào năm 2023. Tổng tài sản của Sovico ngang ngửa với nhiều tập đoàn đa ngành khác đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trên sàn chứng khoán, bà nắm giữ gần 109 triệu cổ phiếu HDB (3,72% vốn điều lệ HDBank) và hơn 47,7 triệu cổ phiếu Vietjet (8,76% vốn điều lệ).
Theo Forbes, tổng giá trị tài sản của bà Thảo ước tính khoảng 2,9 tỷ USD, đưa bà trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - người giữ 'chìa khóa' Sacombank
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tiến sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng, đã đồng hành cùng Sacombank (STB) hơn 20 năm và hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị Sacombank. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm hiện cũng kiêm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng Sacombank.
Với kinh nghiệm quản lý sâu rộng trong nhiều mảng kinh doanh của ngân hàng, từ tín dụng, kế toán đến dịch vụ khách hàng, bà Diễm đã có những đóng góp quan trọng giúp Sacombank vượt qua các giai đoạn tái cơ cấu đầy thách thức.
Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc vào năm 2017 và chính thức trở thành thành viên Hội đồng Quản trị vào năm 2018, bà Diễm đã cùng Sacombank tiến hành những cải tổ chiến lược.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, CEO của Sacombank, nguồn: Internet |
>> Thu nhập khủng và tài sản đáng nể của 3 nữ doanh nhân Việt lọt top quyền lực nhất châu Á
Hiện tại, Sacombank đang ở giai đoạn "nước rút" của quá trình tái cơ cấu, với sự dẫn dắt của bà Diễm và Chủ tịch Dương Công Minh. Bà Diễm đã chứng minh năng lực của mình trong việc điều hành một ngân hàng lớn và phức tạp, gắn liền với nhiều tên tuổi lớn trong ngành.
Tính đến ngày 30/6/2024, bà Diễm sở hữu 76.320 cổ phiếu STB với giá trị hơn 2,6 tỷ đồng. Năm 2023, bà nhận mức thù lao hơn 1,8 tỷ đồng với vai trò Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị.
Cả bà Nguyễn Thị Phương Thảo và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đều là minh chứng sống động cho sức mạnh và sự vươn lên của phụ nữ trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính.
Góp phần lớn vào mục tiêu Chính phủ đề ra, từ nay đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.