Doanh nghiệp

Thu nhập khủng và tài sản đáng nể của 3 nữ doanh nhân Việt lọt top quyền lực nhất châu Á

An Vũ 09/10/2024 14:50

Tạp chí Fortune đã công bố danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á. Đặc biệt, danh sách này có sự hiện diện của ba người phụ nữ Việt Nam, gồm Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm và CEO Vinamilk Mai Kiều Liên.

Theo Fortune, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người sáng lập và hiện đang giữ chức Chủ tịch của VietJet, hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Bà đã thành lập VietJet vào năm 2011 với mục tiêu mang lại sự tiếp cận dễ dàng hơn cho hành khách trong và ngoài nước.

Từ khi ra mắt, VietJet đã có sự phát triển ấn tượng, vận chuyển 25,3 triệu hành khách trong năm ngoái. Đặc biệt, sự gia tăng này chủ yếu đến từ các chuyến bay quốc tế, với 7,6 triệu hành khách quốc tế được phục vụ, ghi nhận mức tăng 183% so với năm 2022. Bà Thảo được biết đến như là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam.

Bà Thảo cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách của Forbes nhiều năm qua, hiện sở hữu tài sản 2,9 tỷ USD.

Thu nhập khủng và tài sản đáng nể của 3 nữ doanh nhân Việt lọt top quyền lực nhất châu Á - ảnh 1
3 nữ doanh nhân Việt vào top quyền lực nhất châu Á năm nay

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, hiện là Phó Chủ tịch kiêm CEO của Sacombank, đã gia nhập ngân hàng này từ năm 2002. Với tấm bằng Tiến sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng, bà đã có hơn 20 năm gắn bó với Sacombank, trải qua nhiều vị trí quan trọng như kế toán, tín dụng và dịch vụ khách hàng. Dưới sự lãnh đạo của bà, Sacombank đã vượt qua quá trình tái cơ cấu kéo dài bảy năm, giảm đáng kể nợ xấu và hiện có tổng tài sản khoảng 27 tỷ USD.

Về thu nhập của bà Diễm là một ẩn số. Trong khi các ngân hàng khác công bố tổng tiền lương của Ban Điều hành thì Sacombank chỉ thông tin tổng thu nhập của Ban Tổng giám đốc.

Năm 2023, thu nhập sau thuế của thành viên Ban Tổng giám đốc Sacombank đạt 101,5 tỷ đồng còn năm 2022 là 93,7 tỷ đồng. Đây là con số cao nhất nhì trong ngành ngân hàng chỉ xếp sau thu nhập 283,3 tỷ đồng của ban lãnh đạo Techcombank.

Điều đặc biệt tại Sacombank là ngân hàng không công bố thu nhập hoặc tiền lương chi tiết của các thành viên trong Ban điều hành. Do đó, tiền lương chức danh Tổng giám đốc của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm vẫn là dấu hỏi lớn trong giới tài chính lẫn các nhà đầu tư chứng khoán.

Sacombank chỉ hé lộ thu nhập bình quân các thành viên Ban điều hành của ngân hàng và các công ty con trong năm 2023 là 290 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, thu nhập bình quân Ban điều hành cao gần 10 lần so với gần 18.500 cán bộ nhân viên Sacombank. Năm 2023, thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên Sacombank đạt 29,8 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, bà Mai Kiều Liên đã dẫn dắt Vinamilk, công ty sữa hàng đầu tại Việt Nam, từ năm 1992. Vinamilk hiện là công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất trên sàn chứng khoán TP.HCM với vốn hóa thị trường đạt 6 tỷ USD. Bà Liên bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là kỹ sư tại một nhà máy sữa sau khi tốt nghiệp vào năm 1976 và nhanh chóng thăng tiến lên vị trí phó tổng giám đốc điều hành.

Bà Mai Kiều Liên, với vai trò Thành viên HĐQT nhận mức thù lao gần 2 tỷ đồng năm 2023. Đồng thời, bà Liên được trả mức lương trung bình 400 triệu đồng/tháng (4,8 tỷ đồng/năm) cho vị trí Tổng giám đốc. Tổng cộng năm trước, bà Liên nhận lương và thù lao khoảng 6,8 tỷ đồng.

Danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm nay bao gồm đại diện từ 11 quốc gia. Nhiều trong số họ là các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp, tiêu biểu như Melanie Perkins, đồng sáng lập kiêm CEO của Canva, và Miranda Qu, đồng sáng lập kiêm chủ tịch của Xiaohongshu. Trong số này, 13 người đứng đầu các bộ phận khu vực hoặc quốc gia của những tập đoàn lớn như Isabel Ge Mahe (phó chủ tịch kiêm CEO của Apple tại Trung Quốc) và Belinda Wong (chủ tịch Starbucks Trung Quốc).

Đứng đầu danh sách này là Grace Wang, đồng sáng lập, chủ tịch kiêm CEO của Luxshare, một công ty sản xuất có trụ sở tại Thâm Quyến, chuyên cung cấp cho Apple với doanh thu đạt 32,8 tỷ USD trong năm 2023.

Dù gặp nhiều thách thức lớn trong thị trường lao động, những người phụ nữ này đã vượt lên để khẳng định vị thế của mình. Theo báo cáo của Fortune, châu Á vẫn đang đối mặt với nhiều bất lợi về bình đẳng giới, từ việc tham gia lực lượng lao động cho đến thâm niên, tiền lương và sự hiện diện trong các hội đồng quản trị.

Tại Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động đã liên tục giảm từ những năm 1990. Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang ghi nhận khoảng cách lương giới tính cao nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Dù Malaysia dẫn đầu về bình đẳng giới trong hội đồng quản trị doanh nghiệp với tỷ lệ giám đốc nữ đạt 28,5%, các nền kinh tế lớn khác trong khu vực vẫn cho thấy tỷ lệ này thấp hơn 20%.

>> Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lọt top 100 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á

Chân dung 'nữ tướng' Vinamilk (VNM), người vừa lọt Top 100 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Chân dung CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm, người vừa lọt Top 100 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/thu-nhap-khung-va-tai-san-dang-ne-cua-3-nu-doanh-nhan-viet-lot-top-quyen-luc-nhat-chau-a-127951.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Thu nhập khủng và tài sản đáng nể của 3 nữ doanh nhân Việt lọt top quyền lực nhất châu Á
POWERED BY ONECMS & INTECH