Đau đầu với nợ xấu, ngân hàng nỗ lực gia tăng bộ đệm vốn

02-06-2023 15:30|Hoàng Lâm

Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, các ngân hàng đã tìm kiếm các giải pháp để ứng phó, trong đó là nỗ lực gia tăng bộ đệm vốn thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Nỗ lực gia tăng bộ đệm vốn

Chất lượng tài sản suy yếu và nguy cơ nợ xấu tăng nhanh trên thị trường đã được giới phân tích dự báo rất nhiều trong thời gian vừa. Trong bối cảnh này, các ngân hàng đã tìm kiếm các giải pháp để ứng phó, trong đó là nỗ lực gia tăng bộ đệm vốn thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. Trong đó, hầu hết các ngân hàng quốc doanh đều có kế hoạch tăng vốn.

NHNN vừa có văn bản chấp thuận Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) thực hiện tăng mức vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 đã được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 856 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 18,1%. Cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần tại thời điểm phát hành sẽ được nhận số cổ phần mới là 181 cổ phần.

Cũng trong năm nay, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến phát hành 1,097 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 61.557,1 tỷ đồng theo 2 phương thức: phát hành 641,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 12,69%; đồng thời phát hành thêm 455,2 triệu cổ phiếu mới thông qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua).

Còn đối với Agribank, tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 vừa qua, Thống đốc NHNN thay mặt Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ giai đoạn 2021-2023 cho Agribank.

"Khoản vốn bổ sung trên sẽ được lấy từ dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt hơn 6.700 tỷ đồng. Phần còn lại hơn 10.300 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024. Mức vốn bổ sung này tương đương vốn của các dự án quan trọng quốc gia", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Đối với các ngân hàng tư nhân, VPBank là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống (hơn 67.000 tỷ đồng). Ngân hàng này dự kiến tăng vốn từ 67.434 tỷ lên hơn 79.339 tỷ đồng (tăng khoảng 12.207 tỷ đồng).

VPBank ghi nhận điểm sáng quý đầu năm với tín dụng hợp nhất tăng trưởng gần 5% so với cuối năm 2022, nằm trong nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong khi tín dụng toàn ngành tăng trưởng chỉ 2,06%.

MB cũng đã trình tới các cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng bằng phương thức phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% (tăng vốn thêm 6.800 tỷ đồng) và phần còn lại thực hiện theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội thường niên năm ngoái.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ như NCB, LPBank, SeABank,...

Ngân hàng đau đầu với nợ xấu

"Đa số các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm so với quý trước", báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của VNDirect viết.

Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các ngân hàng đã cho thấy rõ tình hình nợ xấu ngày càng căng thẳng. Tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các nhà băng đều ghi nhận gia tăng.

Đau đầu với nợ xấu, ngân hàng nỗ lực gia tăng bộ đệm vốn
(Nguồn: Tổng hợp từ BCTC ngân hàng quý 1/2023

NCB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống với 23% trong khi vào cuối năm 2022 chỉ 18%, tăng mạnh nhất trong số các ngân hàng 3 tháng đầu năm.

Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh như VIB tăng lên 3,64% và ABBank tăng lên 4,03%

Trong phiên họp thường niên đầu năm, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết tình hình khó khăn của nền kinh tế được phản ánh trong quý đầu năm nay khi nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, khách hàng cá nhân cũng bị ảnh hưởng dẫn tới tình trạng nhiều khoản vay không đảm bảo khả năng chi trả.

Bên cạnh đó, khủng hoảng của một số tập đoàn bất động sản dẫn tới sự mâu thuẫn giữa nhà phát triển và người mua về chính sách hỗ trợ lãi vay, khiến một số khoản chuyển thành nợ xấu.

"Chúng tôi dự kiến nợ xấu còn tiếp tục tăng trong quý 2 nhưng sẽ duy trì dưới 3% nhờ vào các biện pháp của ngân hàng để hỗ trợ khách hàng và các chính sách cấu trúc nợ"

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Có thể thấy không chỉ lãnh đạo ngân hàng, lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình nợ xấu.

Vinhomes chính thức hủy đăng ký gần 247 triệu cổ phiếu VHM từ 17/12/2024

Vụ TikToker Mr Pips: Lập công ty tuyển dụng sinh viên mới ra trường lương tới 10 triệu đồng, vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 100 triệu đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dau-dau-voi-no-xau-ngan-hang-no-luc-gia-tang-bo-dem-von-185984.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đau đầu với nợ xấu, ngân hàng nỗ lực gia tăng bộ đệm vốn
    POWERED BY ONECMS & INTECH