Đầu tư 106.000 tỷ đồng cho 9 dự án trọng điểm, 'vùng đất Chín Rồng' kỳ vọng 'thay da đổi thịt'
Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó có 8 dự án đang được tổ chức thi công.
Ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh hội nghị này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng chiến lược trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Đây là vùng đất có nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế cạnh tranh nổi bật, nhưng vẫn còn gặp nhiều điểm nghẽn, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Hạn chế này không chỉ làm tăng chi phí logistics và chi phí đầu vào, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, không tạo ra không gian phát triển mới, ảnh hưởng đến tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh các dự án đường bộ, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dự án hạ tầng như sân bay, bến cảng để phục vụ cho vùng ĐBSCL.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án sân bay Cà Mau, yêu cầu các bộ ngành và địa phương nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ để có thể đưa vào khai thác trước dịp 30/4/2025.
Thủ tướng cũng chỉ đạo không để tiến độ dự án chậm trễ vì lý do thủ tục, khi người dân và xã hội đang ngày đêm mong chờ các dự án hạ tầng thiết yếu được hoàn thành.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong đó, 8/9 dự án đang được tổ chức thi công.
Khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông trọng điểm quốc gia |
>> Hơn 700 dự án tại TP HCM và vùng duyên hải Trung Bộ tìm nhà đầu tư
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau
Dự án cao tốc này dài hơn 110km, với tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Dự án gồm hai đoạn chính: Đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37km với tổng mức đầu tư 10.370 tỷ đồng, và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 73km, với tổng mức đầu tư 17.152 tỷ đồng.
Hiện tại, mặt bằng đã được bàn giao 99,9%, tuy nhiên tiến độ thi công vẫn chậm khoảng 11% so với kế hoạch do thiếu nguồn cát thi công.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT và các địa phương như Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang sớm hoàn thành thủ tục khai thác, nâng công suất mỏ cát để cung cấp đủ nguyên liệu cho dự án.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Dự án cao tốc này có tổng chiều dài 188km, đi qua 4 tỉnh thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư hơn 44.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, sau đó sẽ mở rộng lên 6 làn xe. Dự án được chia thành 4 phần, mỗi phần do một địa phương quản lý.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Dự án cao tốc này được chia làm hai phần với tổng chiều dài khoảng 27,4km, tổng mức đầu tư hơn 7.496 tỷ đồng.
Phần 1 của dự án thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp, dài 16km, với tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng. Phần 2 thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, dài 11,43km, với tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng.
Dự án này dự kiến sẽ tăng cường kết nối giao thông giữa các tỉnh miền Tây và khu vực trung tâm.
Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh
Dự án này dài 26,6km, với điểm đầu kết nối với tuyến đường N2 tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp và điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh). Tổng mức đầu tư từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc.
Dự án này dự kiến sẽ được khởi công đầu năm 2025 và góp phần kết nối quan trọng giữa Mỹ An và Cao Lãnh.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận
Dự án có tổng chiều dài 51,94km, với tổng mức đầu tư hơn 3.904 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tuyến đường này dự kiến hoàn thành vào năm 2025, giúp kết nối và cải thiện giao thông trong khu vực.
Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ
Dự án này có chiều dài khoảng 28,8km, với tổng mức đầu tư khoảng 950 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, nhằm tăng cường năng lực giao thông dọc trục Tây ĐBSCL.
Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi
Đây là dự án nâng cấp mặt đường trên tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dài 51,5km, với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng. Tuyến đường này đã được đưa vào khai thác từ tháng 1/2021 và dự kiến sẽ được nâng cấp hoàn thành trước cuối năm 2025.
Cầu Rạch Miễu 2
Cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang với Bến Tre, có tổng chiều dài 17,6km và tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 3/2022 và dự kiến hoàn thành sau ba năm, giúp giảm tải cho quốc lộ 60 và cầu Rạch Miễu hiện tại.
Cầu Đại Ngãi
Cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu, nối liền hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Dự án có tổng chiều dài 15,14km, bao gồm hai cầu dây văng Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2, với tổng mức đầu tư hơn 7.962 tỷ đồng. Tiến độ hoàn thành của dự án đã được lùi lại tới năm 2027, khai thác đồng bộ năm 2028.
Những dự án hạ tầng lớn này được kỳ vọng sẽ giúp ĐBSCL khắc phục các điểm nghẽn, giảm chi phí vận tải, tăng cường kết nối vùng và phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án này không chỉ cải thiện giao thông mà còn tạo động lực lớn cho sự phát triển bền vững của khu vực.
>> Nhiều tập đoàn lớn muốn rót vốn đầu tư vào sân bay 11.000 tỷ tại Quảng Nam
Cần làm rõ và chính xác mức đầu tư 67 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất lốp xe ô tô toàn cầu