Đề nghị ngăn chặn cựu CEO Duy Thuận, đâu là bước ngoặt ‘chết người’ ở Lộc Trời?
Tập đoàn Lộc Trời đã có những sai lầm 'chết người', đánh mất thế mạnh của cỗ máy in tiền suốt 30 năm, chưa kể chiến lược mở rộng đầy rủi ro. Đề nghị ngăn chặn cựu CEO Nguyễn Duy Thuận liệu có liên quan tới những bước ngoặt của tập đoàn?
Từ doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp với lợi nhuận rất cao, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) lao dốc và rơi vào tình trạng thua lỗ, vướng tai tiếng, có thời điểm nợ nông dân hàng trăm tỷ đồng.
Lộc Trời tố cáo cựu CEO Nguyễn Duy Thuận - người nắm quyền điều hành trong hơn 4 năm, từ tháng 5/2020 và bị miễn nhiệm ngày 15/7 - vì đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty và đề nghị có biện pháp ngăn chặn với ông Thuận.
Chia sẻ trên báo chí, Chủ tịch LTG Huỳnh Văn Thòn (SN 1958) cho rằng, Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên trong.
Ông Nguyễn Duy Thuận hiện chưa phát ngôn phản ứng trước sự việc bởi tin rằng "thời gian sẽ trả lời mọi chuyện”.
Vậy, chuyện gì đang xảy ra tại LTG?
Những sai lầm 'chết người'?
Lộc Trời tiền thân là CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang, thành lập năm 1993. Tháng 4/2004, công ty được cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang.
Ban đầu, lĩnh vực chính của doanh nghiệp là cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó mở rộng sang kinh doanh hạt giống, trồng lúa và tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo, các sản phẩm hữu cơ sinh học...
Cung ứng thuốc bảo vệ thực vật là lĩnh vực mang lại lợi nhuận rất lớn cho công ty, với tỷ trọng gần như tuyệt đối từ những năm trước 2011 và vẫn ở mức rất lớn trong giai đoạn hợp tác với Syngenta - công ty thuốc bảo vệ thực vật thuộc Big4 thế giới từ năm 2010 đến năm 2021.
Tỷ suất lợi nhuận gộp mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thường rất cao, lên tới 30%. Đây cũng là doanh nghiệp có lợi nhuận tích lũy lớn, dòng tiền dồi dào trong một thời gian dài.
Thay đổi đầu tiên có lẽ là bước chuyển mình sang mảng lúa gạo. Năm 2011, LTG bắt đầu kinh doanh mặt hàng này với doanh thu khá khiêm tốn. Nhưng tới năm 2015, doanh thu từ lúa gạo lên tới gần 2.915 tỷ đồng, tương đương 36,3% trong tổng gần 8.027 tỷ đồng doanh thu.
Doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm từ mức 5.347 tỷ đồng trong năm 2014 xuống còn 4.170 tỷ đồng trong năm 2015, tương đương tỷ trọng giảm từ 59,5% xuống dưới 52%.
Mặc dù vậy, với việc hợp tác với Syngenta, công ty vẫn duy trì được lợi nhuận cao từ mảng này.
Bước ngoặt có lẽ đến từ cuộc chia tay với Syngenta năm 2021, lợi nhuận của LTG bắt đầu sụt giảm, thậm chí có nhiều quý thua lỗ trong năm 2023-2024. Xuất hiện tình trạng nợ hàng trăm tỷ đồng tiền lúa của nông dân ở An Giang và một số địa phương khác ở ĐBSCL. Bên cạnh đó là cú mở rộng thần tốc với doanh thu, tài sản và vay nợ tăng vọt vài năm gần đây, dưới thời CEO Thuận.
Năm 2023, hoạt động kinh doanh lúa gạo tăng vọt khi doanh thu từ mức 6.431 tỷ trong năm 2022 (trong tổng 11.893 tỷ đồng) vọt lên 11.323 tỷ (trong tổng 16.517 tỷ đồng).
Doanh thu từ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giảm từ mức 4.403 tỷ đồng năm 2022 xuống gần 4.219 tỷ, tương đương tỷ trọng giảm từ trên 37% xuống 25,5% tổng doanh thu các thời kỳ.
Một điểm đáng lưu ý là trong thời gian ông Nguyễn Duy Thuận là Tổng giám đốc, dù Lộc Trời có vay nợ nhiều, bị ảnh hưởng bởi giá gạo biến động mạnh và tỷ giá cao nhưng hoạt động đầu tư tài chính khá mạnh.
Trong BCTC kiểm toán 2021, LTG ủy thác đầu tư 100 tỷ đồng cho CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital, với thời hạn 24 tháng và nắm giữ 12 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng TMCP Bản Việt kỳ hạn còn lại 84 tháng, lãi 8,5%/năm. Tới cuối năm 2021, LTG cũng nắm giữ 105 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM - HDBank (HDB).
Đánh cược vào lúa gạo: Lợi nhuận thấp, rủi ro cao?
Sau cơn sốt giá gạo năm 2008 do thế giới thiếu hụt lương thực, Lộc Trời đã để mắt tới lúa gạo và muốn tận dụng mảng kinh doanh này cho thương hiệu thuốc bảo vệ thực vật trong chuỗi cung ứng.
Bước đi của LTG là hoàn thiện chuỗi khép kín. LTG cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình canh tác, rồi sau đó thu mua, chế biến xuất khẩu.
Tuy nhiên, tốc độ tập trung vào mảng lúa gạo gần đây tăng sốc. Doanh thu của Lộc Trời năm 2023 tăng vọt gấp đôi so với năm 2020. Nhưng biên lãi gộp sụt giảm từ mức trên 20% trong cả chục năm trước đó xuống chỉ còn khoảng 15%. Chi phí lãi vay rất lớn, liên tục gia tăng.
Tại ĐHCĐ năm 2024, LTG đã đề xuất huy động thêm vốn. Tuy nhiên, rủi ro là rất lớn và nhiều tờ trình không được thông qua.
Có thực tế là, khi doanh thu lúa gạo tăng thì kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời lại có dấu hiệu sụt giảm nhanh, khiến lợi nhuận của cả tập đoàn giảm theo.
Ngay khi thị trường xuất hiện tin đồn quanh câu chuyện Syngenta ngưng hợp tác với Lộc Trời cuối năm 2021 gắn với việc cổ phiếu LTG lao dốc, CEO Nguyễn Duy Thuận khi đó chia sẻ rằng đây không phải là sự chấm dứt đơn phương từ Syngenta và doanh thu của LTG phần lớn đến từ lương thực, mảng thuốc bảo vệ thực vật đứng thứ hai. Lộc Trời còn có nguồn thu từ mảng dịch vụ nông nghiệp. Báo cáo tài chính năm 2021 cũng cho thấy điều này.
Doanh thu từ Syngenta chiếm 30% tổng doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật của LTG, tương ứng hơn 10% tổng doanh thu hàng năm. Tuy nhiên, LTG đã được định vị là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp.
Điểm đáng lưu ý là kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo không dễ, biên lợi nhuận không cao. LTG giải trình thua lỗ trong quý I/2024 là do “phải ứng tiền trước cho nông dân với lãi suất 0%, trong khi phải vay vốn ngân hàng với lãi cao”. Tỷ giá USD/VND tăng cao cũng bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.
Cơn sốt gạo năm 2023 cũng khác nhiều so với cơn sốt năm 2008, điều này dường như không đem lại lợi ích cho doanh nghiệp khi giá gạo trong nước tăng cao, đơn hàng xuất khẩu ký trước đó giá lại thấp. Thực tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đầu năm 2024 đã giảm mạnh.
Trong khi LTG giảm tập trung vào “cỗ máy in tiền” thuốc bảo vệ thực vật, thì đối thủ chính CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) - công ty con của Tập đoàn PAN của đại gia tài chính Nguyễn Duy Hưng (SSI) - lại dồn lực vào mảng thị trường này. Miếng bánh ngọt bị chuyển sang doanh nghiệp khác.
Về phía Syngenta, sau khi ngừng hợp tác với Lộc Trời đã trở thành nhà đầu tư chiến lược tại VFG (tháng 1/2022). Làn gió mới từ Syngenta được cho là đã hỗ trợ tăng trưởng cho VFG khi lợi nhuận VFG liên tục gia tăng. Mặc dù quy mô tài sản chỉ 2.945 tỷ đồng, VFG ghi nhận doanh thu hơn 3.557 tỷ đồng trong năm 2023 (so với mức 3.251 tỷ năm 2022), lợi nhuận đạt gần 296 tỷ đồng (so với 229 tỷ của năm 2022).
6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của VFG tăng hơn 30%, lên gần 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt hơn 160 tỷ đồng, so với mức gần 113 tỷ đồng cùng kỳ.
Trong khi đó, LTG thua lỗ nặng trong quý I và chưa có BCTC quý II.
>>Chọn con đường 'nhân trị', Chủ tịch Lộc Trời (LTG) đương đầu với khủng hoảng ở tuổi xế chiều
Chọn con đường 'nhân trị', Chủ tịch Lộc Trời (LTG) đương đầu với khủng hoảng ở tuổi xế chiều
Chủ tịch Lộc Trời (LTG) tiết lộ về 2 'kẻ thù', có người từng giúp công ty đạt 60.000 tỷ doanh thu