Đề nghị truy tố 1 Giám đốc, khởi tố 100 người
Chỉ trong 1,5 năm, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 11 vụ án với 100 bị can, phơi bày nhiều thủ đoạn tinh vi gây thất thoát hàng chục tỷ đồng.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, tình trạng mua bán hóa đơn khống, trốn thuế tại địa phương đang từng bước bị bóc trần thông qua hàng loạt chuyên án lớn. Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, khởi tố 11 vụ án, liên quan đến 100 bị can về các tội danh mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế.

Điển hình, ngày 25/5/2025, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố 8 đối tượng về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, gồm: Lê Thị Thanh Hường (sinh năm 1977, trú tại tỉnh Hòa Bình, nay là tỉnh Phú Thọ); Tô Văn Phong (sinh năm 1961), Đinh Thị Hà (sinh năm 1966), Lê Thị Lý (sinh năm 1989) và Tạ Quang Triệu (sinh năm 1959) - đều trú tại tỉnh Ninh Bình; Ngô Thị Thu Hương (sinh năm 1989, trú tại xã Vĩnh Yên, nay là xã Tây Đô, tỉnh Thanh Hóa); Nguyễn Thị Tùng (sinh năm 1965) và Lê Thị Ngọc Ánh (sinh năm 1986) - đều trú tại phường Ba Đình (nay là phường Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Theo kết quả điều tra, từ đầu năm 2024 đến tháng 3/2025, Nguyễn Thị Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Yên Thế (địa chỉ tại khu phố 7, phường Ba Đình, nay là phường Bỉm Sơn) đã chỉ đạo và điều hành hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và vận tải. Tùng thường xuyên móc nối với một số công ty tại các tỉnh Hòa Bình (cũ), Ninh Bình để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống, sau đó làm thủ tục hợp thức hóa chứng từ nhằm thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng tiền thuế.

Trước đó, ngày 23/5/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất hồ sơ, đề nghị truy tố 2 bị can về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, gồm: Phạm Thị Thanh (sinh năm 1954, trú tại phường An Hưng - nay là phường Đông Quang), Giám đốc Công ty Cổ phần khai thác đá Thanh Sơn và Công ty TNHH đá Thiên Phúc; Nguyễn Tiến Nam (sinh năm 1984, trú tại xã Thuần Lộc - nay là xã Hậu Lộc), kế toán của hai công ty nói trên.
Theo điều tra, trong thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2024, Phạm Thị Thanh với vai trò Giám đốc đã chỉ đạo Nguyễn Tiến Nam xuất khống 99 hóa đơn cho 56 doanh nghiệp tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước với số tiền thuế thất thoát lên đến hàng chục tỷ đồng.
Qua công tác đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế, cơ quan chức năng nhận định: thủ đoạn phạm tội chủ yếu là lợi dụng sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp được thành lập không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh thực sự mà chỉ để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng và trốn thuế nhằm thu lợi bất chính, chiếm đoạt ngân sách Nhà nước.
Để che giấu hành vi phạm tội và đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn tinh vi như đăng ký thành lập “công ty ma”, xin cấp mã số thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn, sau đó bán hóa đơn hàng loạt với số lượng lớn rồi bỏ trốn.
Ngoài ra, chúng còn lợi dụng giấy tờ tùy thân mượn hoặc thuê của người khác để thành lập doanh nghiệp, sử dụng con dấu để phát hành hóa đơn; lợi dụng hoạt động sản xuất kinh doanh để hợp thức hóa việc mua bán hóa đơn, trong đó thường xuyên nâng khống giá trị hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn để trục lợi.
>> Truy tố nữ doanh nhân U70 gần 70 lần tham gia đường dây đánh bạc 2.600 tỷ