Đề xuất xử phạt công dân không thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự
Ngày 7/9, Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Hưng Yên về kiến nghị xử phạt hành vi vi phạm khi không sơ tuyển nghĩa vụ quân sự.
Cử tri tỉnh Hưng Yên nêu kiến nghị, theo Điều 5 của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong sơ tuyển nghĩa vụ quân sự đã được quy định rõ. Tuy nhiên, Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6/6/2022 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản trong các nghị định liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng và bảo vệ biên giới, đồng thời bãi bỏ nội dung xử phạt liên quan đến sơ tuyển nghĩa vụ quân sự.
Sự thay đổi này dẫn đến việc không có hình thức xử phạt đối với các trường hợp không thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, mặc dù việc xử phạt vẫn được áp dụng đối với những trường hợp không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu và vi phạm quy định về kiểm tra sức khỏe, gây khó khăn cho công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Trả lời kiến nghị, Bộ Quốc phòng cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và điểm a khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, căn cứ để quy định hành vi vi phạm hành chính là việc có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm và điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Do đó, để bảo đảm tính hợp pháp, văn bản quy phạm pháp luật về trật tự quản lý hành chính phải được ban hành và có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó.
Trong quá trình thẩm định Nghị định số 37/2022/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã nhận định việc khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự chỉ là một bước trong quá trình chuẩn bị cho việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, theo quy định tại Điều 5 của Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nội dung này chưa được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Vì vậy, Nghị định số 37/2022/NĐ-CP đã bãi bỏ Điều 5 của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Về giải pháp, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri và chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật, đồng thời phù hợp với thực tiễn.
Trường hợp công dân hết tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2025
Những trường hợp bỏ khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025 nhưng sẽ không bị xử phạt