Đề xuất yêu cầu chứng minh năng lực tài chính khi đấu giá đất: Liệu có thêm rắc rối, phiền hà?
Đề xuất bổ sung quy định người tham gia đấu giá đất phải chứng minh năng lực về tài chính đang tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng quy định này chỉ thêm rắc rối, phiền hà cho công tác đấu giá, một bên lại cho rằng đây là quy định cần thiết.
Có hay không thực trạng doanh nghiệp bắt tay nhau tạo mặt bằng giá mới
Trong phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội hôm 28/10, GS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề xuất bổ sung quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực về tài chính để mua được tài sản đó. Việc chứng minh thông qua khoản tiền gửi ngân hàng hoặc các tài sản khác và phải cam kết nếu bỏ cọc sẽ bị xử lý.
"Dư luận cho rằng liệu có hay không việc các doanh nghiệp bắt tay nhau cố tình đưa giá cao để thiết lập mặt bằng giá mới làm đẩy giá thị trường tăng lên", ông Cường nêu.
Có hay không thực trạng doanh nghiệp bắt tay nhau tạo mặt bằng giá mới. |
Nhằm kiểm soát tình trạng tăng giá bất động sản, bên cạnh những giải pháp về giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản để tăng nguồn cung, ông Cường cho rằng để ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi không mua, không thể tăng tiền đặt cọc vì nếu tăng sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh.
Theo ông Cường, cần quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá. “Nếu có quy định như thế thì những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh, đồng thời sẽ loại bỏ những người không có nhu cầu sử dụng, mục đích tham gia đấu giá để mua đi bán lại hoặc những người cố tình trả giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua”, ông Cường khẳng định.
Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch G6 Group - tán đồng với đề xuất của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường về việc người tham gia đấu giá đất phải chứng minh năng lực tài chính khi nộp hồ sơ đấu giá bởi lẽ tình trạng nhà đầu tư bỏ giá cao, khi trúng đấu giá lại bỏ cọc xảy ra phổ biến.
Theo ông Quê, vừa qua việc đấu giá đất tại Hà Nội và một số địa phương xảy ra tình trạng đẩy giá cao và bỏ cọc. Một trong các nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do giá khởi điểm thấp dẫn đến số tiền đặt cọc thấp và thời gian đóng đủ tiền kéo dài.
“Do đó, tôi đề xuất nâng giá khởi điểm sát với giá thị trường, đặt cọc ít nhất 30% giá trị bất động sản và thời gian đóng đủ tiền chỉ nên dưới 10 ngày”, ông Quê nói.
Thêm rắc rối và phiền hà
Ở quan điểm ngược lại, ông Phạm Đức Toản, CEO EZ Property lại cho rằng đề xuất trên không hợp lý. Nếu làm theo đề xuất này chỉ thêm rắc rối, phiền hà cho công tác đấu giá.
Ông Toản đánh giá quy định đấu giá đất hiện nay có vẻ đang lạc hậu so với diễn biến thực tế. Để khắc phục, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng chỉ cần sửa 2 vấn đề là định giá ban đầu sát thực tế và không cho uỷ quyền, chuyển nhượng trước khi hoàn thành nghĩa vụ đấu giá và ra sổ.
Thêm rắc rối và phiền hà. |
Thời gian qua, dư luận xã hội không ngừng xôn xao về những phiên đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức, với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, thời gian đấu giá dài và mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm. Như phiên đấu giá ở huyện Thanh Oai có giá trúng cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2, huyện Hoài Đức 133 triệu đồng/m2.
Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng diễn biến những phiên đấu giá gần đây vẫn không thay đổi, thậm chí giá trúng tiếp tục tăng. Đơn cử hôm 19/10, phiên đấu giá 27 thửa đất tại Hà Đông ghi nhận mức trúng cao nhất hơn 262 triệu đồng/m2, gấp 8 lần giá khởi điểm; lô thấp nhất cũng trúng với mức 133 triệu đồng/m2.
Phiên đấu giá sau đó vài ngày tại huyện Thường Tín cũng kéo dài 16 giờ, lô trúng cao nhất gần 53 triệu/m2.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) hoàn toàn đồng tình và cho rằng, do quy định về việc nhà đầu tư “phải nộp tiền đặt trước tối thiểu bằng 5% và tối đa bằng 20% giá khởi điểm đấu giá” mà không có thêm quy định chặt chẽ, nên trong thực tế nhiều nhà đầu tư trúng đấu giá đã bỏ cọc.
Cụ thể theo Luật sư, do thiếu các quy định pháp luật về điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là điều kiện chứng minh “có năng lực tài chính” của nhà đầu tư, nên thực tế rất nhiều nhà đầu tư năng lực tài chính yếu kém vẫn tham gia đấu giá, song sau khi trúng đấu giá thì không có khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện việc nộp tiền.
Do đó, Luật sư đặt vấn đề, trước nay cơ chế, quy định đã có nhưng khi áp dụng lại không thể đạt được những mục đích của việc tổ chức đấu giá. Doanh nghiệp, cá nhân đấu giá cao, nhưng Nhà nước về cơ bản chỉ thu được tiền cọc.
“Chúng ta cần phải rà soát lại, nếu quy định nào chưa phù hợp, thì sửa đổi, bổ sung. Nếu không làm sớm, thì chắc chắn, việc bỏ cọc hay gian lận trong đấu giá sẽ còn tái diễn”, luật sư Nguyễn Đức Biên nhấn mạnh.
Lạng Sơn, Cao Bằng ra nghị quyết thực hiện chính sách đất đai
UBND tỉnh Tây Ninh kết luận cho ý kiến về dự thảo quy định và chính sách về lĩnh vực đất đai