Mặc dù pháp luật đã quy định các nền tảng xuyên biên giới như Telegram phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam và tuân thủ quy định của pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa nhiều nền tảng thực hiện việc này.
Người dùng đang ngày càng dịch chuyển dần lên ứng dụng nhắn tin Telegram, nhưng đây đang được xem là "thiên đường" của tội phạm mạng với các vấn nạn như lừa đảo, truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ, buôn bán dữ liệu... Báo VietNamNet xin gửi tới bạn đọc tuyến bài "Tệ nạn trên Telegram" để rõ hơn về ứng dụng này.
Bài 1: Telegram: “Miền đất hứa” của tội phạm mạng
Bài 2: Vì sao Telegram được xem là “thiên đường” của tội phạm mạng?
Theo điều 26 của Luật An ninh mạng năm 2018, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng.
Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định.
Đồng thời, các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Pháp luật đã quy định cụ thể, nhưng đến nay, đa phần các doanh nghiệp xuyên biên giới cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng như Facebook, Google, Telegram, Netflix… vẫn chưa đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Việc quản lý và hạn chế các “tệ nạn” của các dịch vụ xuyên biên giới, mà ở đây là Telegram, theo các chuyên gia hiện đang rất khó khăn.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS, về mặt kỹ thuật, việc ngăn chặn các “tệ nạn” trên các dịch vụ xuyên biên giới như Telegram hoàn toàn có thể thực hiện được. Chẳng hạn như có thể sử dụng các bộ lọc nội dung, điển hình là bộ lọc dựa trên từ khoá hoặc dựa trên hình ảnh bằng AI. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, cần phải có sự phối hợp từ nhà sản xuất và quản lý ứng dụng.
“Mặc dù luật An ninh mạng tại Việt Nam đã quy định rõ về các hoạt động của doanh nghiệp xuyên biên giới, trong đó có việc đặt văn phòng đại diện, lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam và mới đây có thêm Nghị định 13 bổ sung quy định về dữ liệu cá nhân, nhưng các nền tảng xuyên biên giới vẫn có thể cung cấp được dịch vụ tại Việt Nam mà không cần có đại diện pháp luật ở trong nước. Đây chính là một khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, xử phạt”, ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức, CEO CyRadar và ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho rằng rất khó để ngăn chặn tận gốc các tệ nạn trên Telegram hiện nay. Theo các chuyên gia, trước tiên, người dùng Telegram cần cẩn trọng khi sử dụng dịch vụ này, đồng thời, cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân có thể nhận thức được các nguy cơ hay cạm bẫy có thể gặp phải khi sử dụng ứng dụng.
Ông Võ Đỗ Thắng cho rằng cơ quan quản lý cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc thực thi pháp luật của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay, bởi pháp luật đã có quy định rất rõ ràng. Nếu các nền tảng này không tuân thủ các quy định, cần phải có các hình thức xử lý mạnh mẽ.
“Tại sao Chính phủ Mỹ làm rất chặt với TikTok, hay Liên minh châu Âu cũng có các biện pháp và chế tài rất mạnh với Google, Facebook mà chúng ta lại không làm, trong khi đã có các quy định từ pháp luật. Đã đến lúc các cơ quan quản lý tại Việt Nam cần mạnh tay hơn với các dịch vụ xuyên biên giới như Telegram, TikTok hay Facebook”, ông Thắng nhấn mạnh.
Công an tìm nạn nhân chuyển tiền đến 16 tài khoản ngân hàng MB, Agribank, Techcombank, ACB,…
Hàn Quốc bắt cựu Bộ trưởng Quốc phòng, yêu cầu Tổng thống ‘rút lui có trật tự’