Chính phủ Mỹ sẽ cấp tối đa 6,4 tỷ USD tài trợ trực tiếp cho Samsung Electronics xây dựng các nhà máy chip ở trung tâm Texas để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết khoản tài trợ sẽ giúp Samsung xây dựng hai nhà máy bán dẫn để sản xuất hàng loạt chip 2nm, một nhà máy đóng gói tiên tiến và một cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), tất cả đều ở Taylor, Texas.
Samsung cũng sẽ mở rộng một cơ sở hiện có ở Austin, Texas, để sản xuất chip tiết kiệm năng lượng dùng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và ô tô. Hai nhà máy của hãng điện tử Hàn Quốc có quy mô tương đương 11 sân bóng đá.
Một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ Samsung sẽ nâng tổng vốn đầu tư vào Mỹ hơn gấp đôi lên khoảng 45 tỷ USD, từ mức 17 tỷ USD trước đó. Nhà máy đầu tiên dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2026 và nhà máy thứ hai vào năm 2027, cùng 5 cơ sở R&D dự kiến khai trương. Ngoài ra, hai chục nhà cung cấp sẽ chuyển đến Mỹ để hợp tác với cụm Samsung mới.
Người này cũng tiết lộ, ngoài phương thức xếp chồng 3D, Samsung sẽ giới thiệu cái gọi là tích hợp 2.5D để kết hợp chip logic và chip nhớ vào một gói duy nhất. Ông gọi Samsung là “công ty đặc biệt trong ngành”, duy nhất vừa làm chip logic và chip nhớ.
Trước đó, Mỹ thông báo tài trợ 8,5 tỷ USD cho Intel và 6,6 tỷ USD cho TSMC. Tất cả nằm trong nỗ lực biến Mỹ thành một trung tâm sản xuất chip hàng đầu. Trong số ba cái tên này, khoản tiền mà Samsung nhận được là lớn nhất xét trên quy mô số tiền đầu tư mà họ đã cam kết - tương đương với khoảng 14% khoản đầu tư theo kế hoạch.
Khác với TSMC và Intel, chính phủ không công bố bất kỳ khoản vay nào cho Samsung. Công ty Hàn Quốc có dự trữ tiền mặt khổng lồ. Tiền mặt và tài sản của hãng ở mức 69,1 nghìn tỷ won (49,9 tỷ USD) vào cuối tháng 12/2023.
Chỉ có Samsung, TSMC và Intel vẫn đang trong cuộc đua sản xuất chip tiên tiến nhất. Mỗi công ty đều muốn phát triển chip 2nm cho các bộ xử lý lõi được sử dụng trong máy tính và máy chủ, tạo điều kiện cho điện toán AI tạo sinh.
Samsung là công ty số 2 trên thị trường đúc chip toàn cầu với khoảng 14% thị phần. TSMC dẫn đầu với 61% thị phần, theo dữ liệu của Counterpoint tính đến quý IV/2023. Intel, từng chủ yếu sản xuất chip để sử dụng nội bộ, cũng đang nhắm đến việc thâm nhập vào thị trường.
Samsung cũng là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới về cả bộ nhớ flash DRAM và NAND, các thành phần quan trọng để lưu trữ và tính toán cho tất cả các loại thiết bị điện tử.
Lael Brainard - cố vấn kinh tế quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden – cho biết khoản tài trợ cho Samsung là “chặng thứ ba và cũng là cuối cùng trong kế hoạch của ông Biden nhằm đưa việc sản xuất bán dẫn tiên tiến về lại Mỹ sau hàng thập kỷ tập trung tại châu Á”. Samsung đã cam kết sản xuất chip trực tiếp cho Bộ Quốc phòng Mỹ và sẽ tăng cường an ninh quốc gia, Brainard nói.
Chính phủ Mỹ cũng đã công bố các khoản tài trợ cho các chip thế hệ cũ theo Đạo luật CHIPS, như 1,5 tỷ USD cho GlobalFoundries, 162 triệu USD cho Microchip Technology và 35 triệu USD cho BAE Systems Electronic Systems.
Theo cố vấn Brainard, các công ty bán dẫn từ khắp nơi trên thế giới đã đầu tư hơn 240 tỷ USD để hồi sinh ngành sản xuất bán dẫn Mỹ.
Thông báo được chính phủ Mỹ đưa ra khi Samsung phục hồi sau một thời gian dài sụt giảm do sự suy thoái của thị trường chip nhớ. Hồi đầu tháng này, công ty dự báo lợi nhuận hoạt động tăng hơn 10 lần lên 6,6 nghìn tỷ won (4,9 tỷ USD) trong quý I so với một năm trước đó trong bối cảnh kỳ vọng bộ phận bán dẫn có thể đã có lãi lần đầu tiên sau hơn một năm.
(Theo Nikkei)
'Đại bản doanh' của Samsung tại Việt Nam sắp đón khu đô thị nghỉ dưỡng 10.000 tỷ
Cổ phiếu Samsung tăng vọt sau tuyên bố chi hơn 7 tỷ USD mua lại cổ phiếu quỹ