Đèo Cả 'bắt tay' Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM đào tạo hàng trăm nhân sự đường sắt, đón lõng dự án 67 tỷ USD
Tập đoàn Đèo Cả phối hợp Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM (UTH) tổ chức khai giảng khóa đào tạo chuyên ngành đường sắt cho hơn 130 học viên. Đây là bước đi chiến lược, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá 67 tỷ USD.
Ngày 25/11, Tập đoàn Đèo Cả phối hợp Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM (UTH) tổ chức Lễ khai giảng Chương trình đào tạo Đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
Đây là khoá học do Tập đoàn Đèo Cả đặt hàng UTH đào tạo cho 130 học viên là nhân sự thuộc các đơn vị trong hệ thống Tập đoàn Đèo Cả và các đối tác. Khoá học chia thành 3 lớp thuộc 2 chuyên ngành là Xây dựng đường sắt và Kỹ thuật điều khiển tự động và thông tin tín hiệu đường sắt.
Lễ khai giảng khoá 2 chương trình đào tạo chuyên ngành đường sắt - metro (Nguồn: Đèo Cả) |
Phát biểu tại Lễ khai giảng, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng UTH cho biết, nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cho thấy chỉ còn hơn 2 năm nữa dự án sẽ bắt đầu triển khai. Do đó, việc chuẩn bị các điều kiện về công nghệ, con người, cơ sở vật chất là rất gấp. Tuy nhiên, Tập đoàn Đèo Cả đã có những bước tiên phong đón đầu xu thế, từ việc triển khai khoá 1 vào đầu năm cho 40 học viên là cán bộ, nhân viên và đối tác đã tốt nghiệp các chuyên ngành như: Xây dựng công trình giao thông, Cầu đường, Địa chất thủy văn, Kỹ thuật địa chất… đến nay đã cơ bản hoàn thành phần lý thuyết.
“Chỉ hơn một năm nữa, khoá đào tạo đầu tiên sẽ ra lò, kịp thời bắt tay vào tiếp cận và là nguồn lực thực hiện các giai đoạn báo cáo tiền khả thi và khả thi cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt đô thị tại TP. HCM và Hà Nội” - PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn nói.
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng UTH |
Ông Nguyễn Minh Giang - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, để thực hiện mục tiêu tham gia các dự án đường sắt, Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học để tuyển sinh đào tạo nhân lực chất lượng cao với mô hình hợp tác gồm đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ công nhân, kỹ sư, nhà quản lý.
Đèo Cả cũng tổ chức các chương trình công tác nước ngoài, nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro, tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản, Trung Quốc… để chuyển giao công nghệ và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu để “bản địa hóa” công nghệ và thiết bị sao cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, các học viên khoá 1 và khoá 2 chính là một trong những người tiên phong, trực tiếp tham gia xây dựng, vận hành các dự án đường sắt - metro, công trình mang tính biểu tượng của sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, cần nghiêm túc học tập, lĩnh hội tối đa kiến thức để hoàn thiện các kỹ năng cần có, đáp ứng được nhu cầu công việc thực tế, sẵn sàng chinh phục dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong tương lai.
Ông Nguyễn Minh Giang - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả |
Lấy bài học thực tiễn từ các nước trên thế giới đã triển khai xây dựng thành công hệ thống đường sắt tốc độ cao, ông Lê Quốc Dũng - Quyền Giám đốc Ban QLDA 7 - Bộ GTVT khẳng định, việc Việt Nam đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường sắt đô thị là một tất yếu khách quan.
“Phải nói rằng, để làm được đường sắt tốc độ cao không hề đơn giản. Đơn cử tại Trung Quốc, họ mất 30 năm để có 672km đường sắt cao tốc đầu tiên, nhưng đến năm 2022 họ đã có 42.000km đường sắt cao tốc và dự kiến đến năm 2025 đạt mốc 50.000km, 2035 đạt mốc 200.000km. Vì sao họ làm được như vậy? Đầu tiên vẫn là yếu tố nguồn nhân lực” - ông Lê Quốc Dũng nói.
Ông Dũng đánh giá cao sự nhanh nhạy của Đèo Cả trong việc nhận diện nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành đường sắt, cũng như tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu của Tập đoàn Đèo Cả trong việc tiên phong thực hiện đào tạo chương trình này. Ông Dũng cũng bày tỏ tin tưởng với chuyên môn đào tạo của nhà trường và tâm huyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn của Tập đoàn Đèo Cả, sự hợp tác giữa hai đơn vị sẽ thành công và hiệu quả.
Đại diện cho hơn 130 học viên khoá 2, học viên Hồ Hữu Tân - Kỹ sư QC đang làm việc tại dự án Vành đai 3 TP. HCM phát biểu bày tỏ quyết tâm trong học tập và nghiên cứu.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, mỗi kiến thức chúng tôi được lĩnh hội ngày hôm nay không chỉ mang lại giá trị thực cho cá nhân, mà còn là hành trang cho khởi đầu mới vì đích đến của chúng tôi là chân trời phía trước. Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết mình trong học tập để tiếp thu tối đa những kiến thức, kỹ năng cần thiết về chuyên ngành” - ông Tân phát biểu.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam khởi đầu ở ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và ga cuối là ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Với chiều dài khoảng 1.541km, dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố. Vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD, thực hiện trong 10 năm (2025 - 2035).
[LIVE] Thị trường 26/11: VN-Index vượt 1.240 điểm, QCG trần tím sau tin nóng
Dự án Aqua City của Novaland (NVL) nhận được nguồn vốn 13.200 tỷ đồng