Di dời 20.000 nhân khẩu thuộc 12 xã, thị trấn: Việt Nam xây dựng nhà máy thủy điện lớn thứ 5 miền Bắc và hồ chứa dung tích phòng lũ lên đến 2 tỷ m3
Hồ thủy điện này giữ vai trò quan trọng trong việc chống lũ và điều tiết nước cho vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ngày 9/9 vừa qua, Thủy điện Tuyên Quang đã lần lượt mở cửa xả đáy số 7 và số 8 vào lúc 14h và 15h. Đây là hai cửa xả đáy cuối cùng của thủy điện này được mở để xả nước về hạ du. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, Thủy điện Tuyên Quang đã mở toàn bộ các cửa xả đáy.
Để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, ngay sáng ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ thị Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng một cửa xả đáy của hồ thủy điện.
Trong ngày 11/9, một số cửa xả đáy khác cũng lần lượt được đóng. Theo ghi nhận vào lúc 18h cùng ngày, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở mức cao trình 117,46m, lưu lượng nước đến hồ là 2.656m³/s và lưu lượng xả là 3.081m³/s.
Công trình đầu mối hồ chứa nước và Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang được xây dựng trên dòng chính sông Gâm (thuộc địa phận xã Vĩnh Yên và thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang), cách TP. Tuyên Quang khoảng 110km về phía Đông Bắc.
Sông Gâm có 7 phụ lưu lớn nhỏ, trong đó các sông Nho Quế và sông Năng là những phụ lưu lớn nhất, đều thuộc lưu vực cấp nước của hồ Thủy điện Tuyên Quang.
Ban đầu, công trình Thủy điện Tuyên Quang có tên là Dự án Thủy điện Na Hang. Ngày 25/9/2002, theo đề nghị của UBND tỉnh Tuyên Quang, công trình được đổi tên thành Thủy điện Tuyên Quang.
Công trình này có ý nghĩa tổng hợp to lớn, không chỉ cho tỉnh Tuyên Quang mà còn cho cả khu vực. Tuy nhiên, dự án đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân do vùng ngập lụt khá rộng. Tổng diện tích đất thu hồi vùng lòng hồ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là hơn 5.538ha, cùng với mặt bằng công trường gần 650ha. Hơn 4.000 hộ dân và trên 20.000 nhân khẩu tại 12 xã, thị trấn thuộc huyện Na Hang đã phải di dời đến nơi ở mới.
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22/12/2002, công trình chính thức được khởi công. Đây là một trong những công trình thủy điện lớn của miền Bắc Việt Nam. Sau 5 năm xây dựng, nhà máy chính thức khánh thành vào năm 2008 với 3 tổ máy, tổng công suất 342MW, sản xuất trung bình 1,295 tỷ kWh mỗi năm.
Đây là nhà máy thủy điện lớn thứ 5 tại miền Bắc, góp phần quan trọng vào việc cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia.
Không chỉ vậy, Thủy điện Tuyên Quang còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết lũ và cung cấp nước cho khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng như các tỉnh lân cận.
Hồ chứa của nhà máy trải rộng trên địa phận ba tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn và Hà Giang, với tổng diện tích mặt nước hơn 8.000ha và dung tích chứa 2 tỷ m³ nước. Nhờ vậy, công trình đóng góp quan trọng trong việc phòng chống lũ cho Đồng bằng sông Hồng và gần như cắt lũ hoàn toàn cho TP. Tuyên Quang; đồng thời cung cấp nguồn nước dồi dào vào mùa khô, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của khu vực miền Bắc.
Bên cạnh đó, hồ nước còn sở hữu vẻ đẹp thơ mộng và hữu tình. Thủy điện Tuyên Quang có diện tích mặt nước trung bình hơn 8.000ha, cùng với 99 ngọn núi đá đứng sừng sững giữa lòng hồ, tạo nên một cảnh quan vừa kỳ vĩ vừa hoang sơ và thơ mộng.
Khu vực ven hồ còn có nhiều thác nước tuyệt đẹp đổ xuống hồ như Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Khuổi Me, Pắc Ban (Thác Mơ)... Trong lòng hồ và khu vực ven hồ có tới mười mấy di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng cấp quốc gia như núi đá Cọc Vài, núi Pác Tạ, chùa Phúc Lâm, đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, động Song Long, hang Phia Vài, hang Phia Muồn...
Hồ Thủy điện Tuyên Quang nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Na Hang (còn gọi là Khu Bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung) rộng trên 21.000ha, là nơi sinh sống của hàng nghìn loài động thực vật, trong đó có cả những loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ thế giới.