Ông nhận định con người nếu chỉ làm một công việc mà không chịu học kiến thức mới thì sẽ đến lúc phải đối mặt với nguy cơ bị thay thế bất cứ lúc nào.
Robert Kiyosaki, nhà đầu tư nổi tiếng và tác giả của cuốn sách “Cha giàu, cha nghèo”, nhận định trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, con người nếu chỉ làm một công việc mà không chịu học kiến thức mới thì sẽ đến lúc phải đối mặt với “khủng hoảng tuổi 30” và nguy cơ bị thay thế bất cứ lúc nào.
Những tên hề
Từng bị cố vấn nghề nghiệp của trường trung học nhận xét rằng “Hai người sẽ chẳng làm nên trò trống gì cả”, tác giả Robert Kiyosaki cùng Mike, con trai của người cha giàu lại bất ngờ phát hiện ra một bài học đáng sợ về tư duy làm giàu.
Tác giả Robert Kiyosaki. Ảnh: Internet |
"Từ giờ trở đi, tôi sẽ không lãng phí thời gian của mình cho cả hai bạn. Tôi sẽ chỉ dành thời gian của mình với những học sinh muốn đến trường đi học. Hai bạn là những tên hề của lớp và sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì nếu cứ tiếp tục như vậy. Bây giờ thì hãy ra khỏi đây", ông hồi tưởng lại những lời vị cố vấn từng nói giữa tràng cười của những học sinh giỏi đứng đó.
Những lời phê bình khắc nghiệt đó đã khiến "hai tên hề" là Mike và tác giả Robert Kiyosaki tổn thương sâu sắc. Thế nhưng cũng chính vì những lời này mà cả hai đã cùng phấn đấu theo cách riêng của mình.
Điều ngạc nhiên là trong một buổi họp lớp ở New York của tác giả Robert Kiyosaki cùng những người bạn cũ tại Học viện Thương mại Hàng hải, ông bất chợt nhận ra hầu hết những học sinh giỏi, lớp trưởng hay chủ tịch CLB đều không thành công sau khi rời ghế nhà trường.
Còn những “học sinh cá biệt” như Mike và Robert Kiyosaki dù chẳng có thành tích học tập xuất sắc vẫn có thể trở nên giàu có, làm chủ doanh nghiệp, thậm chí là tuyển dụng những học sinh giỏi ngày xưa.
Để lý giải điều này, ông cho hay thay vì chỉ chăm chú nhìn vào thành tích học tập, chúng ta cần nhìn vào năng khiếu của từng cá nhân như khả năng giao tiếp, thích nghi hay sự lỳ lợm, liều lĩnh...
Mặc dù nhiều học sinh không giỏi nhưng theo thời gian phát triển các kỹ năng mà họ hứng thú, tình hình sẽ dần thay đổi. Tất cả những thứ như không học giỏi toán, không phải người nổi tiếng nhất ở trường...đều không còn quan trọng về lâu dài, nếu chúng không có giá trị cho sự nghiệp sau này của bạn.
Ảnh minh họa |
Được biết, người cha nghèo của vị tỷ phú từng có bằng Tiến sĩ. Tương tự như những người bạn cùng lớp của ông, dù họ học giỏi rất nhiều thứ nhưng sau bao nhiêu năm gặp lại vẫn chỉ đi làm thuê.
Khi họ khởi nghiệp và tiêu hết sạch tiền đầu tư, những học sinh giỏi này bắt đầu kinh hoàng và vội vàng tìm một công việc ổn định có mức lương cao để sống.
Tất cả những yếu tố như nghị lực, sự quyết tâm, dũng cảm, lý trí... đều đã bị bào mòn trên ghế nhà trường khi giáo viên và các cố vấn nghề nghiệp yêu cầu học sinh phải nghe lời thay vì tin vào chính bản thân mình.
Khủng hoảng tuổi 30, phá sản tuổi 47
Một bài học nữa mà Robert Kiyosaki nhận ra sau buổi họp lớp là những học sinh giỏi này sẽ càng ngày càng mất giá theo thời gian.
Theo tác giả Robert Kiyosaki, trong thời đại công nghiệp thì con người càng già càng có giá nhờ kinh nghiệm làm việc, nhưng trong thời đại thông tin thì đến con cái chúng ta cũng sẽ phải đối mặt "khủng hoảng tuổi 30".
Bỏ qua câu chuyện tự do tài chính, nếu học sinh giỏi chỉ chăm chăm vào thành tích mà không chịu tìm cách thay đổi bản thân, chỉ muốn kiếm việc làm ổn định mà không chịu học thêm cái mới thì sẽ rất dễ bị sa thải.
Điển hình là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mới này chưa từng được dạy đàng hoàng ở trường lớp lại đang đem lại thu nhập kếch xù.
Ảnh minh họa |
Giữa sự bùng nổ của làn sóng AI, kinh nghiệm làm việc sẽ mất giá cực kỳ nhanh do các ông chủ sẽ trả nhiều tiền hơn cho những kỹ thuật mới chưa được dạy rộng rãi ở trường.
Điều đáng buồn là không chỉ riêng AI, ngành nghề nào cũng sẽ có tuổi thọ của chúng, từ người mẫu, nhiếp ảnh gia, luật sư cho đến bác sĩ. Mỗi lao động sẽ chỉ có khoảng thời gian đỉnh cao nhất định trước khi bị lớp trẻ thay thế.
Khi còn trẻ, khi gặp phải thất bại, ta sẵn sàng đứng lên và tiếp tục đương đầu với thử thách. Nhưng sự thất bại ở độ tuổi trung niên sẽ khiến nhiều người phải chùn bước, không dám mạo hiểm.
Một người bạn cùng lớp của Robert Kiyosaki từng giàu có ở tuổi 40 để rồi phá sản ở tuổi 47, hiện đã không còn muốn khởi nghiệp như trước nữa mà chỉ an phận với một công việc ổn định.
"Tư duy của anh ấy dần trở nên bảo thủ khi thất bại và không chịu học hỏi cái mới, như vậy sẽ rất khó để thoát khỏi gông xiềng để thành công", ông cho hay khi nói về người bạn cùng lớp.