AI và làm việc từ xa giải cứu 'giấc mơ Mỹ', các startup sống lại giữa nguy cơ đình lạm
Xu hướng làm việc từ xa (remote working) và sự bùng nổ công nghệ AI giúp các startup tiết kiệm chi phí giữa bối cảnh lãi suất cao và nguy cơ đình lạm (stagflation) ở Mỹ.
Nếu được hỏi quốc gia nào đi đầu trong đổi mới và khởi nghiệp, có lẽ nhiều người sẽ không ngần ngại nhắc tới Mỹ. Tinh thần doanh nhân cũng chính là tư tưởng lập quốc của những người đã khám phá ra Tân thế giới. Nhưng trong những năm gần đây, một số nhà kinh tế lo ngại rằng “giấc mơ Mỹ” đã mờ nhạt dần, sức mạnh mềm thu hút các nhà sáng tạo khởi nghiệp trẻ đã giảm nhiệt.
Các công ty khởi nghiệp ngày càng chiếm một phần nhỏ hơn trong bối cảnh kinh doanh tại xứ sở cờ hoa: vào năm 1982, các công ty khởi nghiệp có tuổi đời dưới 5 năm chiếm khoảng 38% toàn bộ số doanh nghiệp ở Mỹ; đến năm 2018, lực lượng này chỉ còn chiếm 29%.
Tỷ lệ người Mỹ làm việc cho các công ty khởi nghiệp cũng giảm. Thung lũng Silicon vẫn ngày đêm sôi sục với công nghệ cao kỳ diệu và các công ty khổng lồ luôn thu hút những nhà nghiên cứu giỏi nhất. Sự tích tụ nhân tài ở một khu vực phần nào dẫn đến việc truyền bá những ý tưởng mới trên khắp đất nước chậm hơn. Các nhà nghiên cứu kinh tế, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang, cho rằng điều này làm suy giảm tính năng động của nguồn nhân lực, dẫn đến tăng trưởng năng suất yếu hơn.
Kinh tế khó khăn, AI bùng nổ
Quý I/2024, dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy rằng nền kinh tế nước này có thể đang tiến tới tình trạng đình lạm - khái niệm chỉ sự kết hợp giữa lạm phát phi mã và tăng trưởng kinh tế trì trệ kéo dài. Tuy nhiên dữ liệu về các startups lại cho thấy giới doanh nhân nước Mỹ dường như đang lấy lại tinh thần “dám nghĩ dám làm”, tạo nên nhiều đột phá và phong trào khởi nghiệp.
Khách du lịch đổ đến tham quan trung tâm Tài chính của thế giới - phố Wall, Thành phố New York |
Số lượng doanh nghiệp nộp đơn xin đăng ký tăng vọt vào giữa năm 2020, khi nước Mỹ vẫn đang trong giãn cách xã hội do Covid-19. Ban đầu, sự gia tăng nhanh chóng này không đáng được coi là “văn hóa khởi nghiệp”. Bởi vì một số công ty lừa đảo, cố gắng kiếm lợi từ sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ cho các doanh nghiệp nhỏ; một số công ty xuất nhập khẩu chuyên các mặt hàng cần thiết ngay lúc đó như khẩu trang hoặc nước rửa tay khô, sau này bán lại doanh nghiệp cho các tập đoàn lớn hơn.
Nhưng bây giờ, sau khi đại dịch đã qua đi, sự gia tăng vẫn tiếp tục. Năm 2023, số đơn đăng ký thành lập doanh nghiệp đạt kỷ lục tới 5,5 triệu. Mặc dù tốc độ tăng trưởng một chút trong năm nay, nhưng mức trung bình hàng tháng vẫn cao hơn khoảng 80% so với thập kỷ trước khi có dịch bệnh, so với mức tăng chỉ 20% ở châu Âu.
Các công ty khởi nghiệp thường đóng một vai trò to lớn trong việc tạo việc làm ở Mỹ cũng như những nơi khác. Nhiều loại hình kinh doanh đang được tạo ra. Trong năm 2020 và 2021, nhiều công ty khởi nghiệp đã tham gia “Cách mạng Work-from-home” (làm việc tại nhà). Nhiều nhà bán lẻ trực tuyến, các công ty vận tải đường bộ nhỏ và các nhà làm vườn đang tích hợp và hòa nhập nền tảng kĩ thuật số, mạng xã hội nhanh chóng.
Một bài báo nghiên cứu khoa học của Cục điều tra dân số Mỹ cũng cho thấy năm ngoái số ứng dụng kinh doanh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đã tăng mạnh mẽ. Đối với những người từng sống qua kỷ nguyên Dotcom, điều này mang âm hưởng của những năm 1990, khi máy tính và mạng Internet bùng nổ và thay đổi hoàn toàn cách con người sống và nhìn nhận thế giới.
Điều gì đã thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp sau cơn bão đại dịch?
COVID-19 đã khiến những điều tưởng chừng như phi lý cũng thành hiện thực. Khi hàng triệu người mất việc và hàng triệu doanh nghiệp và người lao động chuyển sang làm việc từ xa.
Giám đốc Jeanette Brewster của Village Launch, một NGO chuyên kết nối và hỗ trợ các doanh nhân người da màu, cho biết: “Mọi người nhận ra rằng họ thích ở bên gia đình mình và điều đó mang lại cho nhiều người cảm giác tự do, ngay trong công việc”.
Các công ty khởi nghiệp trong mạng lưới của Village Launch vô cùng đa dạng, từ lớn đến nhỏ, từ lề đường đến tòa án, bao gồm các xe bán đồ ăn, dịch vụ thuê thợ thủ công và trợ lý pháp lý.
Hầu hết các công ty mới đều có quy mô nhỏ coi việc làm online sẽ tiết kiệm chi phí và tiếp tục hoạt động sau khi hết giãn cách. Các nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, một tổ chức tư vấn danh giá, phát hiện ra rằng vào năm 2019, chỉ 5% gia đình sở hữu doanh nghiệp là người da đen và 4% là người gốc Tây Ban Nha. Đến năm 2022, sau đại dịch, tổng danh mục đầu tư của họ lần lượt tăng lên 8% và 7%.
Khi thị trường việc làm truyền thống co hẹp lại, nhân sự tiềm năng và các nhà sáng lập của startup sẽ dễ dàng chấp nhận rủi ro hơn vì biết rằng họ có thể quay lại làm công việc được trả lương nếu cần. Sự ra đời của các công nghệ mới, đặc biệt là AI, cũng góp phần vào điều đó. Các doanh nhân đang tạo ra các công cụ hỗ trợ AI để tương tác với khách hàng, khai thuế, sàng lọc hồ sơ tòa án, v.v..
Một đặc điểm nổi bật của sự bùng nổ là sự lan rộng về mặt địa lý. Theo truyền thống 300 năm qua, sự đổi mới của Mỹ tập trung vào Vùng Vịnh của California (bờ Tây) và các khu đô thị năng động như Austin và New York (bờ Đông). Làn sóng khởi nghiệp giờ đây đã lan rộng đến các thành phố nhỏ hơn trên khắp đất nước, từ Boise đến Raleigh. Thị trấn Greenville, bang Pennysylvia là vốn được biết đến nhiều hơn với nhịp sống nhẹ nhàng và văn hóa đi bộ, phù hợp là một thị trấn ngoại ô hiền hòa để nghỉ ngơi hơn là làm việc.
Thành phố Greenville nhìn từ trên cao, giống khu nghỉ dưỡng hơn là trung tâm khởi nghiệp mới |
Tuy nhiên, trong vài năm qua, số lượng người đến sống ở Greenville đã nhiều hơn từ khi mối lo về khoảng cách đã được xóa bỏ nhờ làm việc từ xa. Sự nhỏ bé và yên bình của thị trấn lại là một lợi thế. Do sự gia tăng của công việc có thể làm online (remote working), ngay cả những công ty khởi nghiệp có tài chính yếu cũng có thể khai thác được nguồn nhân lực chất lượng lớn.
Sau dịch, nhiều startup đã “thuê bộ não” của các nhà thiết kế sản phẩm ở Thung lũng Silicon và các nhà tư vấn chiến lược ở New York. Nguồn tài trợ vẫn là một thách thức ở các bang phía đông nam nước Mỹ, nơi không có nhiều truyền thống đầu tư mạo hiểm.
“Độ tuổi của các startup cũng đóng vai trò lớn trong việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động”, John Osborne, người đang làm việc cho Good Growth Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm ở Charleston, Nam Carolina, cho biết.
Mặc dù mức huy động vốn của các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã giảm 60% vào năm 2023 xuống mức thấp nhất trong 6 năm trong bối cảnh lãi suất neo cao, nhiều startup cho biết họ vẫn duy trì được do số vốn huy động từ các năm trước vẫn còn.
Màn sương mờ "kinh tế vĩ mô"
Nhưng thật sự liệu bùng nổ khởi nghiệp có chuyển thành tăng năng suất cho toàn nền kinh tế hay không, kết quả vẫn còn nằm trong màn sương mờ của những tác động kinh tế vĩ mô.
Về lý thuyết, sự xuất hiện của các công ty mới sẽ thổi sức sống vào nền kinh tế: các doanh nhân có xu hướng sử dụng công nghệ mới và tạo ra các mô hình kinh doanh mới, trong quá trình đó, các doanh nghiệp đương nhiệm luôn theo dõi và thúc đẩy tăng trưởng. Năng suất lao động tăng vọt vào năm 2023, nhưng điều đó có thể do may mắn do mức tăng trưởng thấp hậu đại dịch vào năm 2022.
Một khả năng là thế hệ khởi nghiệp mới có thể mang lại ít động lực tăng trưởng hơn so với những người đi trước, bởi vì nhiều công ty khởi nghiệp phản ánh những thay đổi về địa điểm và cách thức mọi người làm việc hơn là sự gia tăng hiệu quả thực sự.
Một khả năng hứa hẹn hơn là nước Mỹ có thể đang lặp lại nghịch lý Solow. Năm 1987, Robert Solow, chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 1987, đã châm biếm rằng bạn có thể “nhìn thấy thời đại máy tính ở khắp mọi nơi ngoại trừ trong số liệu thống kê về năng suất”.
Các kỳ lân công nghệ không ngừng tăng tốc từ mốc xuất phát điểm là startup |
Ngày nay, bạn có thể thấy sự trở lại của các công ty khởi nghiệp ở khắp mọi nơi ở Mỹ—ngay cả ở Greenville—nhưng vẫn chưa có trong dữ liệu năng suất. Tuy vậy, tình hình còn tương đối khả quan nếu nhìn vào những năm 1990s của thế kỷ trước: nghịch lý Solow đã bị đánh đổ nhờ những tác động của Internet đến với nền kinh tế và xã hội toàn thế giới. Có lẽ các nhà kinh tế và đầu tư nên cho những công ty khởi nghiệp một vài năm để tạo dấu ấn và thay đổi thế giới theo cách riêng của họ.
>> Sự trỗi dậy của Big4 ở cường quốc số 1 Trung Đông: Phép màu kinh tế hay thâu tóm quyền lực?