Di sản Tư liệu Thế giới đầu tiên của Việt Nam do UNESCO công nhận: Chạm khắc trên hơn 34.000 tấm gỗ quý, được ví như 'kho báu' vượt thời gian
Đây là công trình mang tính bách khoa, vô giá, độc nhất và mang đậm dấu ấn thời cuộc.
Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Trong suốt quá trình phát triển, Việt Nam đã lưu giữ được một khối lượng lớn di sản tư liệu quý giá, phản ánh bản sắc văn hóa và lịch sử của dân tộc.
Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO công nhận, trong đó phải kể đến 3 Di sản Tư liệu Thế giới, đó là: mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (năm 2011), châu bản triều Nguyễn (năm 2017).
Trong đó, mộc bản triều Nguyễn là Di sản Tư liệu Thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2009. Công trình gồm 34.618 tấm, với 55.318 mặt khắc là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử... triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản.
Tất cả nội dung các bản thảo được khắc trên mộc bản đều được hoàng đế trực tiếp ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý.
Do tính chất cực kỳ quan trọng của mộc bản, dưới thời Minh Mạng, nhà vua từng có chỉ dụ: “Sai quan Bắc thành kiểm xét các ván in nguyên trữ tại Văn Miếu (Hà Nội) về các sách Ngũ Kinh, Tứ Thư Đại Toàn, Vũ Kinh Trực Giải cùng Tiền Hậu Chính Sử và Tứ Trường Văn Thể gửi về kinh để ở Quốc Tử Giám (Kinh đô Huế)”.
Gỗ dùng làm ván khắc mộc bản triều Nguyễn cũng rất đặc biệt, là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo hay gỗ cây nha đồng, vừa mềm, vừa mịn, thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi. Nét chữ khắc trên mộc bản rất điêu luyện, tinh xảo và sắc nét. Đây là những tài liệu gốc, độc bản, có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.
Mộc bản triều Nguyễn trong hồ sơ di sản được đánh giá như sau: 34.555 bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Nó đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam. Chính vì những tính chất quan trọng và giá trị cao mà trong thời kỳ phong kiến và các nhà nước trong lịch sử của Việt Nam đã rất chú tâm để bảo quản những tài liệu này.
Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán - Nôm ngược dùng để in ra các sách được sử dụng phổ biến dưới triều Nguyễn. Công trình có nội dung rất phong phú và được chia làm 9 chủ đề: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục. Tổng cộng có 152 đầu sách với 1.935 quyển.
Trước năm 1960, tài liệu mộc bản triều Nguyễn được lưu trữ tại Huế. Từ năm 1960 được chuyển từ Huế về Đà Lạt. Quá trình di chuyển tài liệu mộc bản triều Nguyễn từ Huế về Đà Lạt rất công phu và cẩn trọng, phải di chuyển làm ba lần mới hoàn thành.
Từ năm 1961-1975, tài liệu mộc bản triều Nguyễn được cất giữ tại chi nhánh văn khố Đà Lạt, do điều kiện bảo quản không tốt nên bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Sau năm 1975, mộc bản được giao về Cục Lưu trữ Nhà nước (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), bảo quản tại tòa nhà Dòng Chúa cứu thế. Từ năm 1984, tài liệu được chuyển về bảo quản tại khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV).
Hiện nay, khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn đã được xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản, đã phân loại, chỉnh lý khoa học, đồng thời được in rập ra giấy dó và số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng. Để phát huy giá trị khối tài liệu này, năm 2004, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước cho phép biên soạn và xuất bản sách Mộc bản triều Nguyễn - đề mục tổng quan, giới thiệu toàn bộ nội dung khối tài liệu quý hiếm trên với các nhà nghiên cứu.