Đường hầm trú ẩn bên trong biệt điện 13.000m2 xa hoa nhất trời Nam một thời, từng được bảo vệ nghiêm ngặt như cơ sở quân sự
Đây là một quần thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục khác nhau, trong đó các công trình chính là ba ngôi biệt thự vô cùng sa hoa.
Biệt điện Trần Lệ Xuân nằm ở một ngọn đồi trên đường Yết Kiêu, TP Đà Lạt, từng được mệnh danh là Đệ nhất trời Nam. Bà Trần Lệ Xuân (1924 - 2011) được biết đến là vợ của cố vấn cao cấp Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống Ngô Đình Diệm. Vào thời hưng thịnh nhất của gia đình họ Ngô, năm 1958, vợ chồng ông “cố vấn” đã cho khởi công xây dựng khu biệt điện. Công trình này được coi là “sân sau” của gia đình quyền lực ấy nên được huy động tối đa trí lực, nhân lực và vật lực.
Chẳng ai biết Trần Lệ Xuân đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, nhưng vẻ kiêu sa, lộng lẫy của công trình này vẫn hiện diện cho tới ngày nay. Chỉ là một biệt điện cho những ngày ăn chơi, nhưng cũng thể hiện đỉnh cao quyền uy của chủ nhân.
Khu biệt điện xây dựng trên khuôn viên rộng 13.000m2. Đây là một quần thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục khác nhau, trong đó các công trình chính là ba ngôi biệt thự mang tên Lam Ngọc, Bạch Ngọc và Hồng Ngọc.
Biệt thự Lam Ngọc gồm hai tòa nhà. Tòa đầu tiên nằm ngay lối vào, là nơi vợ chồng bà Trần Lệ Xuân thường nghỉ ở đây mỗi khi lên Đà Lạt dịp cuối tuần. Tòa thứ hai có quy mô nhỏ hơn, cũng là nơi nghỉ dưỡng của gia đình. Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu Pháp với mái ngói đỏ, ống khói, lò sưởi cùng nhiều cửa sổ.
Hai tòa nhà được trang bị hiện đại bậc nhất thời bấy giờ, với phòng để họp, làm việc, khiêu vũ, trang điểm... Trong các phòng đều có lò sưởi kiểu Pháp. Hiện, phần lớn không gian của biệt thự là bảo tàng.
Biệt thự Lam Ngọc được xây dựng kiên cố. Đặc biệt, để đề phòng bị tấn công bất ngờ, trong biệt thự Lam Ngọc còn có một căn hầm trú ẩn được thi công bằng loại thép đặc biệt, có thể chống đỡ sức công phá của hỏa lực hạng nặng. Trong căn hầm này có một đường hầm thoát hiểm, cho đến nay người ta vẫn chỉ phỏng đoán nó dẫn ra phía phi trường Cam Ly, cách nơi này chừng hai cây số...
Tiếp theo là biệt thự Bạch Ngọc - nơi giải trí của gia đình bà Xuân và các sĩ quan cao cấp. Trước biệt thự Bạch Ngọc là một bể bơi dung tích 300m3, sâu 1,2 - 2,2m. Đây là bể bơi nước nóng duy nhất của toàn miền Nam thời điểm đó.
Cuối cùng là biệt thự Hồng Ngọc được bà Xuân xây dựng tặng cha mình là ông Trần Văn Chương - thời điểm đó đang là Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ.
Về kiến trúc thì biệt thự Hồng Ngọc mang dáng vẻ yêu kiều nhất, về mức độ xa hoa thì đích thị là Bạch Ngọc với hồ bơi nước nóng hiện đại nhìn ra toàn cảnh thành phố sương mù. Khu vườn rộng lớn và bãi cỏ xanh mướt được chăm sóc kĩ càng bao quanh Bạch Ngọc cũng tạo nên một khoảng trời rất Tây, rất ấn tượng cho bất kì du khách nào đặt chân đến.
Ba ngôi biệt thự có những nét kiến trúc riêng, kết nối với nhau qua những lối đi và khu vườn được thiết kế hài hòa. Nổi bật nhất là vườn hoa do các kỹ sư đến từ Nhật Bản thiết kế. Trong vườn có một hồ nước, khi bơm đầy sẽ tạo thành hình địa đồ Việt Nam.
Trong thời gian gia đình họ Ngô trên đỉnh cao quyền lực, biệt điện Trần Lệ Xuân là một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Suốt ngày đêm có hàng chục cảnh sát và vệ binh cộng hòa túc trực tuần phòng. Một con chim lạ bay vào khu vườn cũng sẽ bị bắn hạ.
Thế nhưng, nhân nào thì quả nấy. Cuộc chính biến 1963 đã kết thúc sự trị vì của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Cùng số phận với chủ nhân, tòa biệt điện được trưng dụng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên vào thời Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền. Đến năm 1975, trong cuộc tháo chạy của chế độ cũ, không ít cổ vật vô giá tại bảo tàng này đã bị tuồn ra nước ngoài, nhiều món cổ vật khác bị lấy cắp, đập phá.
Sau ngày nước nhà thống nhất, chính quyền cách mạng đã tiếp quản và gìn giữ nơi này như một phần tài sản quốc gia. Đầu năm 2007, Bộ Nội vụ đã quyết định đầu tư 53 tỷ đồng để nâng cấp khu biệt điện này và thành lập tại đây Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Nơi đây còn được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Hiện nay, biệt điện Trần Lệ Xuân còn là nơi trưng bày những tư liệu về sự hình thành và phát triển Đà Lạt, đồng thời đây cũng là nơi triển lãm thông tin đầy đủ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông. Có thể thấy, ngoài việc thích hợp cho du lịch khám phá, chụp ảnh, biệt điện Trần Lệ Xuân cũng là nơi mà bất cứ người Việt nào nên ghé thăm và tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề chủ quyền biển đảo nước mình.
>> Bên trong đường hầm bí mật nằm dưới ngôi đình hàng trăm năm tuổi cổ xưa nhất Nam Bộ