Nhân vật

Bà Hoàng 'tiếng có mà tai không', là người phụ nữ quyền lực nhất sống qua 10/13 đời vua triều Nguyễn, được đặt tên cho bệnh viện Phụ sản lớn nhất phía Nam

Quỳnh Châu 05/01/2024 - 15:06

Bà được lịch sử ghi nhận là người sống thọ nhất trong số các bà Hoàng của chế độ phong kiến Việt Nam.

Bà vừa là vợ, là mẹ, là bà và là cố vấn của các đời vua nhà Nguyễn trong suốt 78 năm. Cả cuộc đời bà yêu thương dân, hết lòng vì sự hưng thịnh của nước nhà. Tên tuổi của bà được sử sách ghi danh muôn thuở, là bậc mẫu nghi thiên hạ của mọi thời đại. Bà là người phụ nữ của triều Nguyễn được sử sách nhắc nhớ nhiều trong hậu thế bởi tính nết đoan trang, nhân từ, đức độ. Đó là bà Hoàng thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ), vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức.

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, bà là người đã sống qua 10 đời vua trong số 13 đời vua triều Nguyễn, kể từ vua Gia Long là thời gian bà chào đời cho đến lúc bà tạ thế là năm v­ua Thành Thái thứ 13.

Bậc mẫu nghi tài đức vẹn toàn, giúp vua trị quốc

Nghi Thiên Chương Hoàng hậu (1810-1902) là mẹ ruột của Hoàng đế Tự Đức và là Quý phi của Hoàng đế Thiệu Trị. Khi qua đời, bà được truy tôn làm Hoàng hậu và được người đời nhớ đến với tôn hiệu Hoàng thái hậu Từ Dũ, nổi tiếng là người hiền đức xưa nay hiếm.

Chân dung Hoàng thái hậu Từ Dũ. Ảnh tư liệu

Chân dung Hoàng thái hậu Từ Dũ. Ảnh tư liệu

Thuở nhỏ, bà nổi tiếng hiếu hạnh, thông minh, thông kinh sử, hiền thục, nết na và rất xinh đẹp. Năm 12 tuổi, khi mẹ bà lâm bệnh nặng, chỉ thích nằm một mình thì bà là người duy nhất được gần gũi hầu hạ chăm sóc mẹ ngày đêm. Đến khi mẹ qua đời, dù còn nhỏ nhưng bà vẫn giữ tang như người trưởng thành khiến bên ngoài tấm tắc khen ngợi. Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang, mẹ của vua Minh Mạng hay tin nên triệu bà vào cung để hầu hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, sau này là vua Thiệu Trị năm 14 tuổi.

Năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, vua Thiệu Trị nối ngôi và phong cho bà làm Cung tần. Năm 1842, bà theo vua Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, bà ngày đêm hầu hạ bên cạnh, phàm những ấn báu, vật làm tin, đều giao cho giữ cả. Bà là người đoan trang, nhàn nhã, nghiêm túc, cử chỉ độ lượng, lại thường khuyên răn các cung nhân chăm công việc. Tuy quyền cao chức lớn, song tính tình bà đoan chính, thanh tao, giản dị, nhân từ khiến mọi người trong cung ai cũng quý mến và kính trọng.

Hằng đêm, vua Thiệu Trị thức khuya đọc sách, bà vẫn thức hầu mà không biết mệt mỏi và cùng vua trao đổi, bàn luận mọi việc. Bà thường hay góp ý với vua: “Làm người ắt phải học, nhiên hậu biết được điều thiện, điều ác. Điều thiện nên phát huy, điều ác nên tránh xa để không sa vào chỗ tà”. Học giả Vương Hồng Sển đánh giá rằng: "Tính bà thông minh nhậm lẹ và hay nhớ dai. Những bao nhiêu chuyện cũ, tích xưa, thi cổ bà đều thuộc nằm lòng. Vua Tự Đức văn hay, các quan khoa bảng đều sợ tài vua, có lẽ nhờ thọ ẩm của bà truyền lại".

Cung Diên Thọ, nơi ở của Hoàng thái hậu Từ Dũ qua các đời vua nhà Nguyễn. Ảnh tư liệu

Cung Diên Thọ, nơi ở của Hoàng thái hậu Từ Dũ qua các đời vua nhà Nguyễn. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1847, vua Thiệu Trị ốm nặng, bà ngày đêm hầu hạ thuốc thang không nghỉ. Khi nhà vua gần mất, vua Thiệu Trị dụ các quan về điều tiếc nuối của mình: “Quý phi là nguyên phối của trẫm, là người phúc đức hiển minh, giúp ta coi công việc trong cung cấm đã 7 năm. Nay ý trẫm muốn lập làm Hoàng hậu chính ngôi trong cung, tiếc vì việc không làm kịp mà thôi”.

>> Thân thế mỹ nhân Việt nhận hồi môn 20.000 lượng vàng từ ông ngoại giàu đình đám trong lịch sử, sát cánh vua triều Nguyễn, 3 lần giành giải Hoa hậu Đông Dương

Từ Dũ Thái hậu thanh danh lưu hậu thế

Vua mất, bà hết sức buồn rầu, mỗi ngày thường ra Hoàng Lăng quỳ than khóc. Mỗi năm đến ngày giỗ vua Thiệu Trị, bà đều mặc lễ phục đứng hầu trước điện thờ, trọn đạo làm vợ, thủy chung trọn đời. Vua Thiệu Trị qua đời, con trai bà là Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, tức vua Tự Đức.

Chồng mất, bà dốc sức dạy dỗ, bảo ban con. Bà thường nhắc đến công đức và những lời nói cũng như việc làm của các bậc tiền nhân để răn dạy con. Hằng đêm bà thường đọc sách giảng giải cho vua Tự Đức nghe. Bà dạy vua cách trị vì, điều hành đất nước sao cho hợp lòng dân. Mỗi khi vua Tự Đức có lỗi, bà thường dùng roi và lời lẽ nghiêm trị để giáo huấn nghiêm khắc. Nhờ đó mà Tự Đức trở thành một ông vua thông minh, chí hiếu, hiền hòa, ưa thích ngâm thơ, vịnh phú, có tài xuất khẩu thành thơ, văn chương lưu loát.

Ngày 23 năm Canh Thân (1848), vua Tự Đức 19 tuổi, nối ngôi cha đã đem tôn nhân và các quan trong triều bưng kim sách, kim bảo (bảng sách vàng và ấn vàng) kính dâng tôn hiệu cho mẹ là Hoàng thái hậu Từ Dũ. Tuy nhiên, bà đã khước từ tôn hiệu cao quý đó vì lý do Hoàng đế Thiệu Trị mới băng hà, lòng còn buồn thương, vua Tự Đức mới lên ngôi việc nước còn phải gắng sức nên bà chưa an lòng.

Phải đến 2 năm sau, khi Tự Đức và triều đình nhiều lần dâng sớ thỉnh tấn tôn mỹ hiệu, bà mới chịu làm lễ tấn tôn, nhưng chỉ tổ chức đơn giản không tốn kém. Song song đó, bà rất trân trọng các quan trung thần, muốn có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung cần cán không từ việc mệt nhọc.

Tượng đài Hoàng thái hậu Từ Dũ tại Bệnh viện Từ Dũ

Tượng đài Hoàng thái hậu Từ Dũ tại Bệnh viện Từ Dũ

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Hoàng thái hậu Từ Dũ luôn được mọi người ca ngợi và thán phục. Trong suốt 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn, bà tham gia bàn bạc chính sự, hết lòng hết sức vì dân vì nước, giữ trọn vai trò trọng yếu trong chính sự triều đình nhà Nguyễn vào khoảng nửa thế kỷ XIX.

Bà đã nêu cao tấm gương sáng tuyệt vời về phẩm hạnh và đức độ của người phụ nữ Việt Nam. Tên của bà sống mãi cùng quê hương đất nước và được sử sách ghi danh muôn thuở.

Đánh giá về bà Từ Dũ, học giả Vương Hồng Sển nhận định: "Nước Nga có Hoàng hậu Catherine II la Grande de Russie (1729-1796), nước Anh có hậu Elisabeth Ière (1533-1603), Thanh triều Trung Quốc có Từ Hi Thái hậu, cả thẩy đều có tai tiếng nhưng tai nhiều hơn tiếng, nước Nam ta có bà Từ Dũ Thái hậu thanh danh lưu hậu thế, tiếng có mà tai không, thiệt là hiếm lạ".

Để ghi nhớ ân đức của bà, có thể lấy lời nhận định của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thay lời bình: Ở Huế bà nổi tiếng là một bà Thái hậu rất thương dân. Hồi ấy người Pháp cho bắc lại cây cầu Trường Tiền bằng sắt và bắt dân phải nộp thêm thuế, nói là lấy kinh phí làm cầu. Bà Từ Dũ tự nguyện thay mặt cho dân viết một lá đơn xin quan Tây miễn thuế... Trước đây, dân Huế có lưu hành bài vè "Bà Từ Dũ xin thuế cho dân". Nhân đức của bà đã đi vào lòng người là vậy!

Hiện nay, TP HCM có một bệnh viện Phụ sản được vinh dự mang tên Từ Dũ Hoàng thái hậu.

>> Vùng đất miền Tây được vua gọi là "đất Hoàng gia" khi có tới 7 hoàng hậu, nay lại là "vương quốc trái cây" hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm

Cuộc đời vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam: Từ công chúa triều Lý trở thành hoàng hậu nhà Trần, tuổi tứ tuần tái hôn với hậu duệ Tiền Lê

Người phụ nữ được ca tụng là 'Như Lai xuất thế', 2 lần thay vua 'trị quốc an dân' và thảm án bức tử Hoàng hậu cùng 72 cung nữ, đó là ai?

Khám phá đình cổ thờ danh thần vương triều Nguyễn từng được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam bình chọn vào Top 100 điểm đến ấn tượng Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ba-hoang-tieng-co-ma-tai-khong-la-nguoi-phu-nu-quyen-luc-nhat-song-qua-10-13-doi-vua-trieu-nguyen-duoc-dat-ten-cho-benh-vien-phu-san-lon-nhat-phia-nam-d114179.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bà Hoàng 'tiếng có mà tai không', là người phụ nữ quyền lực nhất sống qua 10/13 đời vua triều Nguyễn, được đặt tên cho bệnh viện Phụ sản lớn nhất phía Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH