Năm 2005, xã đảo này mới có sóng điện thoại và tận 2015 - 2016 mới phủ sóng mạng internet theo đường truyền từ Vĩnh Phúc.
Minh Châu là xã thuộc vùng bãi bồi giữa sông Hồng, nằm ngay phía dưới điểm hợp lưu của 3 dòng sông lớn: sông Hồng, sông Đà và sông Lô, cách trung tâm thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chưa đầy chục cây số, nhưng đời sống lại cách biệt nhiều với các địa phương khác.
Nhìn trên bản đồ, xã Minh Châu nằm chơ vơ giữa sông, một bên giáp với làng Ðường, thuộc huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), một bên giáp với xã Chu Minh (huyện Ba Vì). Nơi đây vốn là bãi bồi hoang sơ, đất đai phù sa màu mỡ. Cư dân hai bên bờ đã vượt sông ra canh tác, rồi định cư tại chỗ. Ðến năm 1955, xã Minh Châu chính thức được thành lập với 3 thôn: Chu Chàng, Chu Châu và Liễu Châu, trực thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (trước đây).
Khoảng năm 1972, thôn Liễu Châu sáp nhập với thị trấn Tây Đằng nên Minh Châu hiện chỉ còn hai thôn với diện tích tự nhiên hơn 563ha, dân số hơn 6.545 khẩu, chủ yếu làm nông nghiệp.
Bởi vị trí địa lý đặc biệt nên nhiều người thường ví Minh Châu như xã đảo. Con đường “huyết mạch” giúp Minh Châu hòa nhập với các vùng lân cận được nối tới huyện Vĩnh Tường. Tuy nhiên, con đường ấy chỉ thuận tiện vào mùa khô, mùa mưa lũ sẽ bị ngăn chặn bởi đập tràn.
Vì thế, giữa thời buổi này, bà con vẫn phải duy trì việc tích trữ, tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm. Bà con đi chợ bán mớ rau, con cá chẳng được bao nhiêu tiền vẫn phải chịu phí phương tiện. Năm 2000, Minh Châu là xã cuối cùng của tỉnh Hà Tây (trước kia) có điện lưới quốc gia; năm 2005 mới có sóng điện thoại và tận 2015 - 2016 mới phủ sóng mạng internet theo đường truyền từ Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, việc di chuyển, học hành của học sinh nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào phà, đò nên thường xuyên gặp khó khăn. Xã Minh Châu hiện không có trường THPT nên hàng ngày khoảng 400 học sinh phải đi phà qua sông Hồng để đến trường ở trung tâm huyện Ba Vì. Hàng chục năm qua, bao thế hệ học sinh phải “lụy” phà để học hành, muốn đi học đúng giờ phải đợi phà hàng giờ đồng hồ để không bị nhỡ chuyến. Những đợt mưa lũ lớn, học sinh có thể phải nghỉ học.
Khoảng 30 thầy cô giáo mầm non, tiểu học và THCS sinh sống ở địa bàn khác hàng ngày cũng phải đi phà qua xã đảo để dạy học.
Hiện xã xây dựng đề án với cơ chế đặc thù dành riêng cho xã đảo như đầu tư giao thông nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; chính sách giảm học phí, hỗ trợ phí đò qua sông đối với học sinh và khuyến khích giáo viên đến dạy tại xã; xây dựng cầu nối xã Minh Châu với xã An Tường, tỉnh Vĩnh Phúc...
Vào mùa khô, người dân có thể di chuyển bằng đường bộ sang xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Chính quyền đã đề xuất xây cầu nối sang huyện Vĩnh Tường để người dân đi lại thuận tiện, giúp xã phát triển kinh tế xã hội. Vị trí được đề xuất xây cầu là bãi bồi tiếp giáp Vĩnh Phúc với khoảng cách hơn 200m.
>> Dẫn nước sạch vượt sông Hồng tới xã đảo duy nhất của Hà Nội