Danh sách những ngân hàng báo lãi tỷ đô đang được kéo dài.
Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2022. Nhóm Ngân hàng cũng đã công bố kết quả kinh doanh với thông tin chung nhất là lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm 2021. Năm 2022 danh sách những ngân hàng báo lãi xấp xỉ tỷ đô đã gia tăng nhanh chóng.
Vietcombank năm thứ 4 liên tiếp đạt lãi tỷ đô
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán VCB) ghi nhận riêng quý 4/2022 đã lãi trước thuế hơn 12.400 tỷ đồng, nâng tổng lãi trước thuế cả năm lên 37.358 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021.
Một trong những nhân tố chính giúp Vietcombank lãi lớn là thu nhập lãi thuần hơn 53.200 tỷ đồng trong năm, tăng gần 11.000 tỷ đồng so với năm 2021. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng mang về số lãi thuần hơn 5.768 tỷ đồng, tăng gần 1.400 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tính đến 31/12/2022 tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 1,145 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 184.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số đó nợ có khả năng mất vốn hơn 6.600 tỷ đồng (tăng 2.200 tỷ đồng so với đầu kỳ); nợ nghi ngờ hơn 770 tỷ đồng (giảm gần 200 tỷ đồng so với đầu kỳ); nợ dưới tiêu chuẩn hơn 400 tỷ đồng (giảm hơn 300 tỷ đồng so với đầu kỳ) và nợ cần chú ý hơn 4.000 tỷ đồng, còn lại là nợ đủ tiêu chuẩn.
Tổng huy động tiền gửi khách hàng đến 31/12/2022 đạt 1,243 triệu tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Techcombank lãi trước thuế gần 25.700 tỷ đồng
Techcombank (mã chứng khoán TCB) ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp báo lãi tỷ đô. Năm 2021 Techcombank lãi trước thuế trên 23.200 tỷ đồng và năm 2022 này báo tãi tăng trưởng hơn 10% lên 25.568 tỷ đồng - số lãi kỷ lục của ngân hàng này. Xét về vị thế lợi nhuận trong nhóm ngân hàng, năm 2022 Techcombank cũng là ngân hàng lãi lớn thứ 2 sau Vietcombank.
Một trong những nhân tố giúp Techcombank lãi lớn là từ nguồn thu nhập lãi thuần. Thu nhập lãi thuần cả năm đạt gần 30.300 tỷ đồng, tăng 3.600 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến 31/12/2022 đạt 421.524 tỷ đồng, tăng gần 71.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ an toàn cũng rất cao khi nợ xấu thấp. Nợ có khả năng mất vốn 1.000 tỷ đồng; nợ nghi ngờ hơn 1.100 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn 1.686 tỷ đồng; nợ cần chú ý hơn 8.700 tỷ đồng còn lại là nợ đủ tiêu chuẩn gần 408.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Techcombank cũng gia tăng nhanh chóng, vượt 699.000 tỷ đồng, tăng 130.270 tỷ đồng so với đầu năm.
BIDV đạt mức tăng trưởng 70% về lợi nhuận năm 2022
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán BID) ghi nhận lợi nhuận quý 4 tăng đến 91% so với cùng kỳ, lên 5.380 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế cả năm kên 23.058 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng trên 70% so với năm 2021. Lợi nhuận của BIDV chủ yếu cũng từ thu nhập lãi thuần và các hoạt động kinh doanh, điển hình là lãi từ kinh doanh ngoại hối.
Số liệu trên BCTC ghi nhận thu nhập lãi thuần cả năm đạt 56.064 tỷ đồng, tăng hơn 9.200 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 3.140 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ.
MBB lãi trước thuế hơn 22.700 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Quân đội (mã chứng khoán MBB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 22.729 tỷ đồng, tăng trưởng 37,5% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi kỷ lục của MBB từ trước tới nay.
Hoạt động kinh doanh của MBB ghi nhận thu nhập lãi thuần trong năm đạt hơn 36.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối năm 2022 đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi từ các hoạt động kinh doanh khác lại giảm 1.100 tỷ đồng xuống mức 2.141 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến 31/12/2022 tăng khoảng 100.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên mức 456.815 tỷ đồng. Ngoài ra còn khoản cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán tại MBS hơn 3.700 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay lên 480.570 tỷ đồng. Trong số đó, nợ có khả năng mất vốn xấp xỉ 2.300 tỷ đồng (tăng 1.500 tỷ đồng so với đầu kỳ); nợnghi ngờ hơn 1.200 tỷ đồng (tăng 200 tỷ đồng so với đầu kỳ); nợ dưới tiêu chuẩn hơn 1.500 tỷ đồng; nợ cần chú ý 7.800 tỷ đồng (tăng 3.900 tỷ đồng so với đầu năm). Còn lại là nợ đủ tiêu chuẩn.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán VPB) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank – mã chứng khoán CTG) dù lãi chưa đạt mức tỷ đô, nhưng cũng xấp xỉ với trên 21.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
VPBank báo lãi năm 2022 tăng 48% so với cùng kỳ
Số liệu cụ thể, VPBank ghi nhận tình hình kinh doanh quý 4 giảm sút với lãi trước thuế giảm 47% về gần 1.400 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân đến từ số lỗ 340 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối.
Tính chung cả năm 2022 VPBank vẫn đạt mức tăng trưởng gần 48% về lợi nhuận, lên mức 21.220 tỷ đồng. Trong số đó việc kinh doanh ngoại hối trong năm mang về khoản thua lỗ hơn 600 tỷ đồng. Nguồn thu lớn nhất từ thu nhập lãi thuần, đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng gàna 6.700 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến 31/12/2022 đạt 438.338 tỷ đồng, tăng hơn 83.050 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số đó đáng chú ý có hơn 7.160 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng hơn 5.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; nợ nghi ngờ cũng tăng 2.500 tỷ đồng so với đầu năm, lên 10.031 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn hơn 7.900 tỷ đồng, tăng gần 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và nợ đáng chú ý cũng tăng khoảng 5.000 tỷ đồng lên trên 23.800 tỷ đồng.
Vietinbank đạt mức lợi nhuận tăng 20% so với năm 2021
Cũng như VPBank, Vietinbank báo lãi trước thuế 21.113 tỷ đồng, xấp xỉ đạt mức tỷ đô, tăng 20% so với năm 2021. Hoạt động kinh doanh của Vietinbank cũng tăng trưởng mạnh với thu nhập lãi thuần đạt 47.930 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về số lãi gấp đôi cùng kỳ năm 2021, lên 3.570 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính ghi nhận tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietinbank đến 31/12/2022 đtaj gần 1,275 triệu tỷ đồng, tăng 144.000 tỷ đóngo với thời điểm đầu năm. Về tỷ lệ nợ xấu, báo cáo cho biết nợ có khả năng mất vốn đến cuối năm tăng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 6.200 tỷ đồng; nợ nghi ngờ 2.255 tỷ đồng (tăng hơn 250 tỷ đồng so với đầu năm); nợ dưới tiêu chuẩn tăng 200 tỷ đồng lên 7.300 tỷ đồng; nợ cần chú ý hơn 29.900 tỷ đồng (tăng 18.000 tỷ đồng so với đầu kỳ). Còn lại là nợ đủ tiêu chuẩn 1,229 triệu tỷ đồng.
Lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng mạnh so với năm 2021
Một điểm chung đáng chú ý là lợi nhuận các ngân hàng phần lớn đều tăng trưởng mạnh so với năm 2021. Danh sách các ngân hàng lãi tỷ đô cả năm đã kéo dài đáng kể so với những năm trước đó, mở rộng ra cả những ngân hàng TMCP khác.