Diễn biến cổ phiếu ngân hàng 9/7: HDB bất ngờ tăng mạnh, lập đỉnh mới
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng là VCB, BID, VPB, HDB, MBB có tác động lớn đến chỉ số VN-Index.
Phiên giao dịch ngày 9/7, VN-Index tăng 10,15 điểm (+0,79%) lên 1.293,71 điểm. Như vậy, chỉ số đã có 7 phiên liên tiếp mang sắc xanh, tiến gần hơn với mốc 1.300 điểm đã bị tuột mất trong nhiều phiên qua.
Thanh khoản có sự cải thiện so với phiên hôm qua, với 821,8 triệu đơn vị được sang tay, tương đương gần 21.819 tỷ đồng về giá trị. Như vậy, sàn HoSE tăng 7% về khối lượng và tăng 9% về giá trị.
>> [LIVE] Thị trường ngày 9/7: VN-Index tạo chuỗi 7 phiên tăng liên tục, đỉnh cũ không còn xa
Chỉ số VN-Index phiên 9/7 |
Lực nâng của VN-Index đến từ sự đồng thuận của của đa số các nhóm ngành với 21/25 ngành tăng giá.
Tác động tích cực nhất đến chỉ số là GVR, tăng mạnh 4,11% và đóng góp tăng 1,46 điểm cho chỉ số sàn HoSE. Theo sau GVR là hàng loạt cổ phiếu ngân hàng là VCB, BID, VPB, HDB, MBB, chỉ riêng 5 mã này đã đóng góp tăng 3,76 điểm thị trường.
Nhìn rộng toàn ngành, chỉ số nhóm ngân hàng tăng 0,89% với thanh khoản vượt 3.620 tỷ đồng. Hơn 18 mã tăng giá trong khi chỉ có 4 mã giảm và 5 mã tham chiếu đã góp phần không nhỏ đến diễn biến tích cực của thị trường.
>> Lợi nhuận quý II/2024 nhóm ngân hàng: Dự báo tăng trưởng chậm lại, vẫn có 3 cái tên ‘toả sáng’
Nhóm cổ phiếu tác động tích cực/tiêu cực nhất phiên 9/7 |
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là HDB với mức tăng 3,48%, lên 25.250 đồng/cp, vốn hóa vượt 73.500 tỷ đồng. Như vậy, HDB đã vượt qua mức đỉnh giá hồi tháng 5, thiết lập đỉnh lịch sử mới trong phiên hôm nay. Hơn 14,6 triệu đơn vị được sang tay, tương đương gần 365 tỷ đồng về giá trị.
Đáng chú ý, HDB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất sàn HoSE trong phiên 9/7, với giá trị 573,8 tỷ đồng. Ngay những phút cuối phiên sáng, khối ngoại đã thực hiện liên tiếp 8 giao dịch thỏa thuận, sang tay hơn 23,7 triệu cổ phiếu HDB.
Tại báo cáo dự báo lợi nhuận quý II/2024, Chứng khoán SSI dự báo HDBank này có thể đạt 3.500-3.600 tỷ đồng lợi nhuận, tăng từ 28-31% so với cùng kỳ nhờ tín dụng tăng trưởng.
Diễn biến giá cổ phiếu HDB |
Loạt cổ phiếu blue-chips tăng tốt trong phiên hôm nay như MBB (+1,98%), VPB (+1,84%), BID (+1,06%), VCB (+1,03%), SHB (+0,85%) cũng tạo đà tích cực cho chỉ số VN-Index.
Một số cổ phiếu ngân hàng vốn hoá vừa và nhỏ cũng ghi nhận biên độ tăng trên 1% là BVB (+1,64%), ABB (+1,23%) và NVB (+1,01%).
Trong đó, cổ phiếu BVB của ngân hàng BVBank đã ghi nhận 6 phiên tăng giá liên tiếp với thanh khoản cải thiện mạnh so với cuối năm ngoái. Kết phiên 9/7, BVB chốt hạ tại 12.400 đồng/cp, tăng 1,64% so với giá tham chiếu. Hơn 1,5 triệu đơn vị được sang tay, tương đương hơn 19 tỷ đồng về giá trị. Bên cạnh BVB, ABB cũng ghi nhận hơn 10 phiên tăng giá liên tiếp.
Từ khi quyết định thay đổi nhận diện thương hiệu, xuất hiện với hình ảnh mới trẻ trung hơn, năng động hơn, BVBank đã liên tục gặt hái tin vui, đặc biệt là việc thanh khoản cổ phiếu tăng mạnh.
Ngược lại, 4 cổ phiếu ghi nhận giảm điểm là VBB (-2,78%), OCB (-1,02%), LPB (-0,93%), TCB (-0,43%).
Diễn biến giá cổ phiếu BVB |
Về triển vọng ngành ngân hàng năm 2024, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 sẽ đạt mức 13-14% nhờ sự trở mình của hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước đã chạm đáy và sẽ tăng tốc trong các quý tới. Đồng thời các vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản đang dần được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng tín dụng bất động sản.
Về biên lãi ròng (NIM), dù thận trọng với rủi ro lãi suất cho vay ở mức thấp trong khi lãi suất huy động nhích tăng có thể bào mòn NIM, PHS duy trì quan điểm NIM sẽ cải thiện trong những quý tới, nhưng mức độ cải thiện có thể hạn chế.
Về chất lượng tài sản, PHS ước tính tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ đạt 103% vào năm 2024, giảm nhẹ so với năm 2023, do rủi ro nợ xấu còn gia tăng trong năm 2024 và việc xử lý nợ xấu được đẩy mạnh.
>> Dự báo lợi nhuận quý II/2024 của 11 ngân hàng: Tăng trưởng cao nhất tới 60%
Một cổ phiếu ngân hàng VN30 lập đỉnh lịch sử
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng 8/7: 4 cổ phiếu thoát xu hướng bán ròng của khối ngoại