Diễn biến quan trọng của dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng
Dự án có mục tiêu xây dựng mới tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm, điện khí hóa, kết nối với Trung Quốc và khu vực cảng biển Hải Phòng.
Theo báo Đầu Tư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các thành viên Hội đồng bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan như Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, cùng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo UBND của 9 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Hội đồng có trách nhiệm thẩm định chất lượng và tiến độ của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đảm bảo hoàn thiện đúng thời hạn để trình Quốc hội khóa XV xem xét tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào tháng 2/2025. Bộ Giao thông Vận tải sẽ cung cấp hồ sơ và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong quá trình thẩm định.
Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng>> TP. HCM sẽ khởi công 3-4 tuyến metro trong giai đoạn 2027-2028
Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án đường sắt, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có mục tiêu xây dựng mới tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm, điện khí hóa, kết nối với Trung Quốc và khu vực cảng biển Hải Phòng.
Tuyến có điểm đầu tại điểm kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), với tổng chiều dài chính tuyến 388,35km (đoạn ga Lào Cai - ga Cảng Lạch Huyện dài 383,24km; đoạn ga Lào Cai - điểm nối ray dài 5,11km); tuyến nhánh nối cảng Nam Hải Phòng và Nam Đình Vũ dài 7,89km; tuyến nhánh nối ga Yên Thường và ga Yên Viên dài 2,18km.
Trên tuyến có 30 ga, với 3 ga lập tàu, 19 ga hỗn hợp và 8 ga kỹ thuật; đi qua 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Dự kiến, Dự án có tốc độ thiết kế 160km/h trên đoạn chính tuyến ga Lào Cai - ga Cảng Lạch Huyện, 80km/h cho đoạn Lào Cai - điểm nối ray và các đoạn tuyến nhánh, 120km/h đối với đoạn đường sắt qua khu đầu mối Hà Nội, đi trùng đường sắt vành đai phía Đông.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh miền Bắc Việt Nam, mà còn tạo cầu nối kinh tế và thương mại trực tiếp với Trung Quốc và cảng biển quốc tế. Đây là dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng năng lực vận tải hàng hóa và hành khách, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của hệ thống giao thông vận tải Việt Nam trong khu vực.
>> Chỉ 3 năm nữa, Việt Nam sẽ có toa tàu khách vận tốc 120km/h
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD có chuyển động mới
Chỉ trong 10 năm, Việt Nam sẽ hoàn thành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD