Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2021 diễn ra với chủ đề: "Xúc tiến xuất khẩu góp phần khôi phục và phát triển kinh tế".
Ngày 15/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần khôi phục và phát triển kinh tế” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội nghị được diễn ra 2 phiên, gồm các nội dung như: Triển vọng của một số khu vực thị trường xuất khẩu giai đoạn sau COVID - 19; Chiến lược quốc gia của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng phối hợp với các đối tác trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam...
Một số vấn đề được nhiều đại biểu đề cập và quan tâm tại hội nghị là: Những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đại diện một số địa phương, để hoạt động ngoại thương của nước ta trong thời gian tiếp theo đạt được mức tăng trưởng ổn định, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần đoàn kết hơn nữa, tích cực đổi mới, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt, đón đầu xu thế phát triển của thị trường, tăng khả năng chống chịu, thích ứng để định hướng phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường như hiện nay
Trong bối cảnh dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, tính đến hết tháng 11/2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của nước ta đạt trên 600 tỷ USD, tăng 22.8% so với cùng kỳ. Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt trên 300 tỷ USD, tăng 18.3% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 300 tỷ USD, tăng 27.9% so với cùng kỳ.
Diễn đàn nhằm trao đổi về tình hình thị trường, nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và của các địa phương cũng như các giải pháp xúc tiến xuất khẩu hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì và phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh bình thường mới.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định năm 2021 hoạt động xúc tiến thương mại đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức, trong đó nhân rộng các mô hình xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ số. Nhờ đó, các hoạt động xúc tiến thương mại được duy trì và triển khai hiệu quả, giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất khẩu trong năm 2021. Tính đến hết tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 301.73 tỷ USD, tăng 18.3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt khoảng 331.1 tỷ USD, tăng 17.2% so với năm 2020.
Báo cáo tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin: Năm 2021, Bộ Công Thương trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến, kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước; hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại trên môi trường số. Bên cạnh đó, việc tham gia, tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế cũng được Bộ Công Thương tổ chức trên môi trường số. “Kết quả của hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Để hoạt động xuất khẩu đạt kết quả cao hơn trước những dự báo về sự phục hồi của các thị trường, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đề xuất Bộ Công Thương kịp thời tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu, chính sách phát triển hạ tầng logistics để thành phố triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các dự án hỗ trợ phát triển thương mại. Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn kịp thời về chủ trương, chính sách và cập nhật thường xuyên tình hình trên thị trường quốc tế để có các biện pháp thích nghi phù hợp với hoàn cảnh mới khi dịch Covid - 19 còn diễn biến phức tạp.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại trên cả nước cũng đưa ra nhiều khuyến nghị, kiến nghị, đề xuất về định hướng xúc tiến thương mại, nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương, hiệp hội để phục hồi và phát triển kinh tế.
Cảnh báo 'thẻ vàng IUU' - Cú sốc lớn với ngành thủy sản Việt Nam
Giám đốc Tài chính Hòa Phát (HPG) tiết lộ 30% đầu ra của dự án Dung Quất 2