Tính riêng trong quý 3/2022, GEG báo lãi trước và sau thuế lần lượt ở mức 157 tỷ và 136,5 tỷ đồng - tăng 129% và 141% so với cùng kỳ.
CTCP Điện Gia Lai (Mã GEG - HOSE) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu đạt hơn 521 tỷ đồng - tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng nhẹ so với mức 505 tỷ trong quý 2; giá vốn bán hàng tăng gấp đội cùng kỳ (đạt 303 tỷ) nên lợi nhuận gộp thu về còn gần 219 tỷ; biên lãi gộp ở mức 42%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 10 lần quý 3 năm ngoái - đạt gần 175 tỷ đồng (hầu hết là lợi nhuận từ việc chuyển nhượng cổ phần). Đồng pha, chi phí tài chính cũng tăng gấp 2 cùng kỳ lên gần 178 tỷ đồng (có 147 tỷ đồng là chi phí lãi vay).
Sau cùng, công ty báo lãi trước và sau thuế lần lượt ở mức 157 tỷ và 136,5 tỷ đồng - tăng 129% và 141% YoY.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Điện Gia Lai đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng tới 70% so với cùng thời điểm năm 2021 qua đó hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu cả năm; lợi nhuận trước thuế ở mức 385 tỷ đồng - 68% YoY qua đó vượt hơn 11% chỉ tiêu lãi trước thuế cả năm; phần lợi nhuận sau thuế còn lại 349 tỷ đồng tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh, phía GEG cho biết, mức tăng lợi nhuận tích cực trong quý đến từ việc doanh thu bán điện tăng mạnh (đồng thời giá vốn tăng hơn 118 tỷ đồng) do từ các nhà máy điện gió đã đi vào vận hành thương mại từ quý 4/2021.
Các nhà máy năng lượng tái tạo đã sản xuất 770 triệu kWh sản lượng điện, tăng trưởng so với cùng kỳ, góp phần giảm phát thải CO2 thêm 650.650 tấn so với dự kiến 845.000 tấn CO2 của năm 2022.
Lũy kế từ 2010 đến 9 tháng 2022, GEC đang cung cấp gần 4,8 tỷ kWh cho lưới điện Quốc gia, giảm phát thải lên đến 9,3 triệu tấn CO2 - chiếm 23% giảm phát thải cả năm 2021 và cung ứng điện cho hơn 3 triệu hộ gia đình - chiếm 12% số hộ gia đình tại Việt Nam năm 2021.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của GEG đạt hơn 16.000 tỷ đồng - tăng 30% so với đầu năm trong đó các khoản tiền và các tương đương là hơn 650 tỷ đồng - gấp 2,6 lần đầu năm. Tài sản dài hạn dở dang tăng lên gần 4.000 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ, chủ yếu từ chi phí xây dựng tại Dự án điện gió Tấn Phú Đông 1 - 100MW (dự kiến đi vào vận hành vào cuối năm 2022).
Tổng nợ phải trả của GEG tính đến thời điểm 30/9 là gần hơn 11.000 tỷ đồng với hầu hết là nợ dài hạn (gần 7.700 tỷ ); khoản nợ lớn nhất đang ghi nhận tại Vietcombank chi nhánh Gia Lai với 4.800 tỷ đồng.
Công ty hiện vẫn còn dư nợ trái phiếu tổng cộng gần 1.200 tỷ với Vietcombank (300 tỷ đồng để đầu tư vào dự án điện năng lượng Mặt trời Phong Điền và Krông Pa) và Techcombank (tổng cộng 1.000 tỷ đồng).
Tháng 9/2022 vừa qua, HĐQT Điện Gia Lai đã trình bày về phương án chào bán cổ phần ưu đãi để huy động vốn phục vụ các hoạt động của Công ty. Công ty đã hoàn thành phát hành hơn 64 triệu cổ phiếu ưu đãi - tương ứng với 642 tỷ đồng cho Ngân hàng DEUTSCHE INVESTITIONS - UND (DEG) sau hơn 1 năm thực hiện thẩm định và đàm phán.
Giá chào bán tối thiểu là 10.000 đồng/cổ phiếu và bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất là 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. GEG qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 3.800 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến chào bán trong quý 4/2022 hoặc quý 1/2023 sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Trên thị trường, cổ phiếu GEG kết phiên sáng 31/10 tại mức 12.400 đồng thị giá - tạm tính tăng phiên thứ 3 liên tiếp song đã giảm tới 46% so với thời điểm giữa tháng 8 vừa qua.
Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế
Thế giới Di động làm gì khi gần 60.000 nhân viên nghỉ việc?
Một doanh nghiệp tại Thanh Hóa có gần 12.000 tỷ đồng lãi vay quá hạn thanh toán