Sống

Diện mạo cao ốc hình búp sen có sân trực thăng hoành tráng, từng cao nhất Việt Nam, được coi là biểu tượng của TP.HCM

Quỳnh Lâm 25/08/2023 - 15:20

Bitexco là tòa nhà chọc trời cao nhất tại TP.HCM cho đến khi bị Landmark 81 chính thức "soán ngôi" vào năm 2018.

Tòa tháp Bitexco có tên đầy đủ là Bitexco Financial Tower. Tọa lạc tại số 19 - 25 đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Nằm gần những tuyến đường giao thông huyết mạch như đường Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi, Lê Thánh Tôn. Xung quanh là đa dạng những tiện ích như khu dân cư sầm uất, chi nhanh ngân hàng, văn phòng cho thuê, công ty tài chính, trung tâm thương mại...

Tòa tháp Bitexco được chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 31/10/2010 và xây dựng với số vốn hơn 400 triệu USD. Công trình từng được gọi với danh xưng là tòa nhà cao nhất Sài Gòn trước khi tòa nhà Landmark 81 khánh thành vào năm 2018.

Vì muốn xây dựng một công trình kiến trúc độc đáo, mang tính chất biểu tượng, thể hiện được “tầm vóc” và “bản sắc” của người Việt, ông Vũ Quang Hội – Chủ tịch Bitexco không lựa chọn cách thiết kế vuông thành sắc cạnh như những tòa nhà thông thường.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ông quyết định lựa chọn kiến trúc hình búp sen, vì nó chuyển tải được những ý tưởng mà ông muốn gửi gắm vào công trình này. Hình vẽ phác thảo của tòa tháp như hình búp sen vươn lên trên bờ sông Sài Gòn trông thật đẹp và thanh thoát, nhưng việc xây dựng lại không hề đơn giản.

bitexco1.jpg
Kiến trúc của Bitexco lấy ý tưởng từ hình ảnh búp sen.

Ý tưởng táo bạo của ông Hội đã đặt ra những thách thức rất lớn đối với việc xây dựng dự án này. “Vẽ dự án,” “điên,” “còn lâu mới làm được” là những từ ngữ nhiều người dành để mô tả cho kế hoạch đầu tư tòa tháp cao 262m này của Bitexco thời điểm đó.

Theo ông Oliver Roche - Giám đốc Công ty quản lý dự án Turner (Mỹ), thách thức lớn nhất đối với việc xây dựng Bitexco Financial Tower là hệ thống tường kính, trong đó 25% số tường kính là các đường cong. “Tôi chưa thấy có dự án nào trên thế giới lại sử dụng nhiều kính cong như vậy. Điều đó đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong sản xuất và lắp ráp hệ thống tường kính”, ông Oliver Roche chia sẻ.

Thách thức thứ hai cũng không hề nhỏ, đó là việc xây dựng sân bay trực thăng. Điểm đặc biệt của sân bay này là nó không nằm trên nóc tòa nhà mà nằm lửng lơ trên tầng 52 của Bitexco (ở độ cao 192m) và vươn ra 25m so với hệ thống tường kính của tòa nhà. Riêng trọng lượng của sân bay trực thăng là 250 tấn nên việc tính toán lực đỡ và cách lắp đặt rất phức tạp. Với nhà thầu xây dựng như Hyundai E&C, cách thiết kế của Bitexco Financial Tower cực kỳ đa dạng đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng.

san-bay-bitexco.jpg
Bãi đáp trực thăng nằm ở tầng 52 của tòa nhà.

Theo ông Imkoo Kwak, Giám đốc dự án của Hyundai E&C, rất ít chi tiết của dự án được xây dựng theo trục thẳng đứng hoặc nằm ngang, trừ phần lõi của tòa nhà. Hầu như tất cả các chi tiết, từ bề mặt bao quanh đến mặt sàn đều là các đường cong và hầu như không còn sàn nào giống sàn nào do hình dáng búp sen nhỏ phía dưới, dần dần phình ra ở giữa và thu nhỏ ở phía trên.

“So với tất cả các công trình thông thường khác thì Bitexco Financial Tower đòi hỏi các kỹ sư xây dựng phải mất nhiều công sức hơn trong việc thiết kế kết cấu cũng như sự chính xác tuyệt đối”, ông Imkoo Kwak cho biết.

Ở thời điểm xây dựng, Bitexco Financial Tower là công trình duy nhất ở Việt Nam mà tất cả nhà thầu và tư vấn đều là những công ty danh tiếng từ nước ngoài và những công ty này hầu hết đều có mặt ở Việt Nam lần đầu tiên. Thiết kế ý tưởng được thực hiện bởi kiến trúc sư người Mỹ Carlos Zapata, quản lý dự án là Turner (Mỹ) – đơn vị đã có kinh nghiệm quản lý xây dựng tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa và Tháp 101.

LERA - công ty thiết kế kết cấu, cũng đã có kinh nghiệm đối với việc xây dựng tòa tháp Shanghai World Financial Tower cao 95 tầng ở Thượng Hải. Bitexco cũng quyết định lựa chọn Hyundai E&C làm nhà thầu xây dựng vì công ty này đã từng xây dựng các cao ốc chọc trời như Tháp Incheon 151 cao 151 tầng ở Seoul.

Sự độc đáo của tòa nhà đã đòi hỏi chi phí xây dựng rất lớn. Theo ước tính ban đầu của Bitexco, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng trên 90 triệu USD, nhưng khi triển khai trên thực tế, vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD. Chi phí tăng lên một phần là do sự độc đáo của tòa tháp đòi hỏi vật liệu xây dựng cũng như trang thiết bị phải nhập khẩu và thiết kế theo tiêu chuẩn cao nhất.

Sau khi được hoàn thành, Bitexco từng được bình chọn trong top 50 tòa nhà sáng tạo nhất thế giới, dự án phức hợp có kiến trúc đẹp nhất châu Á. Nơi đây từng được coi là biểu tượng cho sự phát triển của TP.HCM và là một trong những công trình làm thay đổi diện mạo của thành phố mang tên Bác.

toa-thap-bitexco.jpg

Năm 2017, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đến tầng 49 Saigon Skydeck ngắm toàn cảnh TP.HCM. Khi nghe giới thiệu về kết cấu toà nhà, Thủ tướng Lý Hiển Long thích thú với ý tưởng thiết kế toà nhà theo biểu tượng hình búp sen của Bitexco. Sau đó, Thủ tướng Lý Hiển Long và phu nhân cũng đến thăm sân bay trực thăng toạ lạc tại tầng 52 của toà nhà.

Tuy nhiên, sau khi tòa nhà Landmark 81 khánh thành vào năm 2018, biểu tượng Bitexco hình búp sen với sân đỗ trực thăng, đài quan sát SaiGon Skydeck đã dần mất khách. Tháng 2/2023, dư luận xôn xao về hình ảnh Bitexco đìu hiu với hàng loạt gian hàng cửa đóng then cài. Khách hàng tới tham quan và sử dụng các dịch vụ tại tòa nhà cũng chỉ lác đác, khác hẳn với diện mạo của tòa tháp trước đây.

Theo Tập đoàn Bitexco, toà tháp đang được tạm ngưng sử dụng để cải tạo, nâng cấp và tạo ra trải nghiệm mới trong thời gian tới. Phía Tập đoàn Bitexco cho biết, trong kế hoạch cải tạo tới đây, Bitexco sẽ chú trọng nâng cấp đài quan sát Saigon Skydeck để phù hợp với xu thế mới. Hạng mục này vốn được đưa vào sử dụng cách đây hơn 10 năm (năm 2011) và đã từng thu hút rất nhiều khách đến tham quan và trải nghiệm.

Bitexco lên tiếng việc hơn 5,2 ha 'đất vàng' bị thu hồi: "Đang ươm cây và trộn bê tông"

Toà nhà chọc trời cao thứ ba TP. HCM chỉ sau Landmark 81 và Bitexco: Quy mô vốn 5.000 tỷ, thuộc quản lý của Vạn Thịnh Phát, gây nhiều chỉ trích vì ‘làm xấu bộ mặt’ thành phố

Tòa nhà chọc trời cao thứ 4 Việt Nam: Từng giữ kỷ lục chỉ trong 4 tháng, là công trình đầu tiên của cả nước có sân trực thăng 'lơ lửng' trên không

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dien-mao-cao-oc-hinh-bup-sen-co-san-truc-thang-hoanh-trang-tung-cao-nhat-viet-nam-duoc-coi-la-bieu-tuong-cua-tphcm-198095.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Diện mạo cao ốc hình búp sen có sân trực thăng hoành tráng, từng cao nhất Việt Nam, được coi là biểu tượng của TP.HCM
POWERED BY ONECMS & INTECH