Diễn viên Thuỳ Anh: Tốt nghiệp 2 trường đại học, lúc bế tắc ra đảo một mình
"Có lúc tôi rơi vào bế tắc, rời xa điện thoại, mạng Internet, ra đảo hoang một mình để suy nghĩ về hành trình tiếp theo", diễn viên Thuỳ Anh chia sẻ.
Năm 14 tuổi, Thùy Anh được khán giả biết đến qua sitcom Bộ tứ 10A8. Năm 2014, nữ diễn viên trở lại trong phim điện ảnh Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Năm 2016, Thuỳ Anh xuất hiện trong Thành phố khác của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, tác phẩm tranh giải phim ngắn tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin. Sau khi chuyển vào TPHCM, Thùy Anh tham gia các phim Gái già lắm chiêu 2, Gái già lắm chiêu 3, Rừng thế mạng và phim truyền hình Đừng nói khi yêu.
- Nghiệp diễn quan trọng với chị như thế nào?
Sinh ra trong gia đình không ai theo nghệ thuật, từ nhỏ tôi không có khái niệm làm diễn viên như thế nào, diễn xuất ra sao, càng không nghĩ sau này mình sẽ theo nghiệp diễn.
Sau khi tham gia Bộ tứ 10A8, đóng xong phần 1, tôi bị bố mẹ bắt nghỉ để tập trung học cấp 3. Đến lúc đó, tôi mới biết mình yêu nghệ thuật và khao khát được đi diễn, nhưng gia đình không ai ủng hộ. Mọi người không coi diễn viên là một nghề, muốn tôi học ngành bình thường, đi làm ổn định tại công ty.
Đáp lại mong muốn của bố mẹ, tôi học hành chăm chỉ, tốt nghiệp 2 trường đại học mới quyết tâm vào Sài Gòn lập nghiệp năm 22 tuổi. Đam mê diễn xuất là thứ tồn tại duy nhất trong đầu tôi, nếu không theo đuổi nghệ thuật, tôi không biết mình sẽ làm gì tốt hơn.
Thời điểm quay Bộ tứ 10A8, ngày nào tôi cũng ra khỏi nhà lúc 7h sáng đến tận 11h đêm về lại nghe bố mẹ mắng 30 phút nữa mới được đi ngủ. Lúc đó tôi rất áp lực nhưng niềm đam mê giúp tôi vượt qua và mong hoàn thành việc học thật nhanh để dồn toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật.
- Không được đào tạo diễn xuất chuyên nghiệp, chị bổ sung các kỹ năng cần thiết của một diễn viên như thế nào?
Tôi tham gia các workshop diễn xuất của các đạo diễn nước ngoài. Nhờ thành thạo tiếng Anh, tôi đọc nhiều tài liệu quốc tế để hiểu hơn về diễn xuất và nâng cao các kỹ năng. Tôi cũng học hỏi từ chị Kathy Uyên, “mẹ” Lê Khanh và kinh nghiệm của các nghệ sĩ khác.
- Tại sao chị lại chọn Sài Gòn để phát triển sự nghiệp?
Sau khi tham gia Cuộc đua kỳ thú, tôi nhận thấy Sài Gòn là môi trường nghệ thuật rất mới mẻ, mình có cơ hội thử sức ở nhiều gameshow và phim.
Khi học cùng lúc 2 trường đại học ở Hà Nội, tôi không có thời gian cho bản thân và cố gắng học để không trượt môn nào. Kết thúc việc học, tôi khăn gói quả mướp vào Sài Gòn ngay lập tức.
- Đam mê là thế, nhưng bước chân chuyên nghiệp vào môi trường nghệ thuật, mọi thứ có như chị kỳ vọng?
Khi tham gia Đập cánh giữa không trung, tôi từng nghĩ sẽ chỉ đóng những phim hàn lâm và được tham gia liên hoan phim quốc tế. Nhưng lúc đó, tôi còn trẻ và thiếu trải nghiệm, nên như đang sống trong giấc mơ mình tự tạo. Về sau, tôi nhận ra nếu giữ tư duy đó, sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội làm nghề trong nhiều môi trường và khán giả khác nhau.
Vào Sài Gòn cũng nằm trong kế hoạch thay đổi tư duy đó, tôi muốn trải nghiệm đóng phim thương mại. Năm đầu lập nghiệp, tôi casting trúng được 3 phim điện ảnh, 1 phim truyền hình và một số dự án khác.
Lúc hồ hởi vào Sài Gòn, trong túi tôi có vỏn vẹn 20 triệu, 5 cái vali và 1 con gấu bông. Đứng giữa Quận 1, tôi không biết mình sẽ làm gì hay ở đâu. Thời gian đó, tôi có chút trầm cảm vì nhiều điều ập đến và quá mới mẻ, khiến tôi phải giải quyết từng thứ một. Ở Hà Nội, tôi cũng là diễn viên được biết đến, nhưng khi vào Sài Gòn đi casting, có người hỏi: "Em là ai?"
Có lúc, tôi bế tắc, rời xa điện thoại, mạng Internet, ra đảo hoang một mình để suy nghĩ. Thời điểm sống chậm lại giúp tôi thả lỏng và nạp thêm năng lượng. Sau chuyến đi, mọi thứ xảy đến với mình, tôi giải quyết khá nhẹ nhàng.
Dù có nhiều cơ hội khác, nhưng theo nghề từ năm 14 tuổi, tôi nghĩ mình đã đam mê nghệ thuật kinh khủng lắm mới vượt qua và tiếp tục theo nghề.
- Chị đối diện với thị phi như thế nào?
Ai theo nghệ thuật cũng chuẩn bị tâm lý đối diện với thị phi, nhưng khi nó đến, không phải lúc nào cũng dễ vượt qua dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước đó.
Thời mới tham gia vai phản diện trong một bộ phim, nhận được các bình luận tiêu cực, tôi khóc rất nhiều. Tính tôi thích sự nhẹ nhàng nên rất hay suy nghĩ khi bị nói nặng lời. Đọc các bình luận tiêu cực, tôi dễ bị ảnh hưởng và nghĩ là họ đang nói đúng. Càng nghĩ tiêu cực, tôi lại tìm đọc tất cả những bình luận đó, như một vòng luẩn quẩn.
Hiện tại, các bình luận tiêu cực vì vai diễn, những thị phi cuộc sống, lời đồn đại không đúng không còn khiến tôi bận tâm.
Những tổn thương từ bé từng khiến tôi ngại thể hiện, nói lên chính kiến của mình và nhận xét người khác. Năm 26 tuổi, tham gia The Champion - chương trình thực tế về môn võ quyền Anh và nhận đai vô địch khiến tư duy của tôi thay đổi nhiều.
Tôi không còn lo sợ người khác nghĩ gì, tự do thể hiện bản thân và kết quả được mọi người cổ vũ nhiệt tình. Đó là động lực khiến tôi tiếp tục cố gắng.
Cuộc sống luôn đan xen niềm vui và nỗi buồn. Bây giờ, tôi cũng có những nỗi buồn riêng, phải chấp nhận những hỉ-nộ-ái-ố của cuộc đời thôi!
- Ai là người cho chị những lời khuyên khi gặp thị phi?
Tùy vào tình huống và thời điểm, tôi sẽ tâm sự với người phù hợp. Dù chuyện gì xảy ra, gia đình và bạn bè luôn cho tôi những lời khuyên tử tế và nhân văn nhất.
- Sau quãng thời gian bị ngăn cản, bố mẹ đã hài lòng với sự lựa chọn của chị?
Một năm sau khi chuyển vào Sài Gòn, bố mẹ đã chấp nhận lựa chọn của tôi. Có lần mẹ gọi điện và khóc, nói nếu biết tôi đam mê nghệ thuật như vậy, đã ủng hộ ngay từ đầu.
Tôi không hối hận vì đã theo học 2 trường đại học chỉ vì “bố mẹ muốn thế” nhưng khi được nghe những lời đó từ mẹ, tôi cảm thấy mọi nỗ lực trong thời gian qua đã được công nhận.
- Ở tuổi 29, chị đã nghĩ đến “ngôi nhà và những đứa trẻ”?
Tôi muốn lắm mà chưa có đối tác (cười).
- Hay chị đặt tiêu chuẩn cao quá?
Tôi xin trích dẫn một câu của rapper Tlinh: “Em chẳng thiết tha gì một người đàn ông không cho em nhiều hơn được những thứ em tự cho mình”.
Tôi không có tiêu chuẩn gì quá cao và cũng chỉ là người phụ nữ yếu đuối. Do công việc, cuộc sống, có những điều xảy đến, đôi khi tôi buộc phải mạnh mẽ để chống đỡ.
Đối phó với thế giới ngoài kia đã mệt lắm rồi, tôi muốn bên cạnh một người có thể khiến mình có cảm giác được là chính mình, như câu thơ của Xuân Quỳnh: "Em trở về đúng nghĩa trái tim em/Là máu thịt, đời thường ai chẳng có..."
>>Nhà sản xuất phim 'Bước ngoặt' yêu cầu Thuỳ Anh bồi thường hơn 20 tỷ đồng
Nhà sản xuất phim 'Bước ngoặt' yêu cầu Thuỳ Anh bồi thường hơn 20 tỷ đồng
Khán giả có quyền gì mà thóa mạ diễn viên 'Đi giữa trời rực rỡ'?