Bất động sản

Điều gì khiến Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đứng trước nguy cơ chậm tiến độ?

Phương Uyên 15/08/2023 15:00

Một nguyên nhân vô cùng đơn giản nhưng không hề dễ giải quyết khiến các nhà thầu thi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô gặp khó.

2

Đến nay, đã có 90% mặt bằng được giải phóng phục vụ thi công dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, nỗi lo thiếu vật liệu vẫn đang hiện hữu, đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có giải pháp cấp bách.

Theo báo cáo của các nhà thầu thi công dự án thành phần 2.1, trên địa bàn Hà Nội không có mỏ đất đắp.

Qua khảo sát, các mỏ đất đang hoạt động khai thác nằm tại các tỉnh lân cận, cự ly vận chuyển xa nên không chủ động được nguồn vật liệu (4 mỏ đất tại tỉnh Vĩnh Phúc; 4 mỏ đất tại Thái Nguyên; 1 mỏ đất tại tỉnh Hòa Bình).

Các mỏ cát trên địa bàn Hà Nội có tổng trữ lượng lớn và gần phạm vi thực hiện dự án, tuy nhiên phần lớn chưa triển khai khai thác (6 mỏ đang đấu giá và 18 mỏ trong quy hoạch), công suất khai thác theo khảo sát của các mỏ hiện trạng khá thấp.

Những vấn đề này đều đã được Bộ Giao thông Vận tải lường trước và cảnh báo từ trước đó. Theo Bộ Giao thông Vận tải, thực tế triển khai các dự án thời gian vừa qua cho thấy, công tác điều tra, khảo sát mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải trong quá trình thi công còn nhiều hạn chế, chưa sát với thực tế.

Được biết, để chủ động nguồn vật liệu đất đắp, Hà Nội đang nghiên cứu, lập phương án thăm dò, khai thác với 3 mỏ đất Khánh Chúc Bãi, Quy Mông và đồi Gò Đỉnh.

Với vật liệu cát đắp, thành phố đang đẩy nhanh việc cấp phép khai thác với 6 mỏ (Châu Sơn, Tây Đằng - Minh Châu, Cổ Đô 1, Cổ Đô 2, Thanh Chiểu, Thượng Cát).

Mới đây nhất, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đã có văn bản đề nghị sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo UBND TP Hà Nội phê duyệt các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch, chỉ phục vụ dự án đường Vành đai 4; báo cáo UBND TP phê duyệt danh mục đối với các mỏ khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác) làm cơ sở để các nhà thầu thi công có thể đề nghị đăng ký khai thác, sử dụng theo cơ chế đặc thù.

Để bảo đảm nguồn cung, đối với các mỏ vật liệu đã xây dựng kế hoạch đấu giá, đơn vị này cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai công tác đấu giá các mỏ vật liệu trong tháng 8/2023 và yêu cầu doanh nghiệp trúng đấu giá cam kết ưu tiên cung cấp vật liệu cho dự án.

chu-dong-nguon-vat-lieu-san-lap-mat-bang-cac-du-an-1

Theo thông tin từ báo Giao thông, nhu cầu vật liệu làm dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh rất lớn. Cụ thể, đất đắp K98, K95, đắp bao là 12,012 triệu m3; cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu 10,467 triệu m3; cát xây dựng 3,401 triệu m3; đá 7,512 triệu m3.

Đã có 102 mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án được khảo sát. Trong đó, đối với mỏ đất đắp, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng cộng 31 mỏ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 114 triệu m3 (thực tế nhu cầu sử dụng khoảng 12,012 triệu m3).

Đối với mỏ cát, tư vấn đã khảo sát tổng cộng 32 mỏ trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 56 triệu m3 (thực tế nhu cầu dự kiến 10,467 triệu m3).

Thanh Hóa sắp có thêm khu dân cư gần 20.000m2

Cập nhật tiến độ thi công cao tốc Vân Phong – Nha Trang

Vì sao khó khăn bủa vây các dự án giao thông tại Thanh Hoá?

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/dieu-gi-khien-du-an-vanh-dai-4--vung-thu-do-dung-truoc-nguy-co-cham-tien-do-d107235.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Điều gì khiến Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đứng trước nguy cơ chậm tiến độ?
POWERED BY ONECMS & INTECH