Định giá hấp dẫn, một cổ phiếu ngân hàng có tiềm năng tăng 20%
Ngày 24/9 tới đây, ngân hàng này sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.
Đóng cửa phiên giao dịch 13/9, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) giữ nguyên ở mức giá 18.150 đồng/cp, tương ứng với mức tăng khiêm tốn 4% tính từ đầu năm.
Theo Chứng khoán MB (MBS), giá hiện tại đang bằng 1,1x so với BVPS năm 2024, thấp hơn 26% so với trung bình P/B 3 năm (1,5x) và thấp hơn 15% so với P/B của các ngân hàng trong ngành năm 2024.
Theo MBS, TPB là 1 lựa chọn đầu tư hợp lý với mức tăng trưởng lợi nhuận 20%/năm trong giai đoạn năm 2024-2026 với chất lượng tài sản dần được cải thiện.
MBS phân tích chỉ tiêu tài chính TPB |
Về triển vọng kinh doanh, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của TPB sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng và bất động sản. Cụ thể:
(1) TPB tập trung vào nhóm khách hàng khá giả, thế hệ millennials, và các hộ kinh doanh với hai sản phẩm chủ chốt là cho vay mua xe và mua nhà. Nhóm phân tích kỳ vọng các chính sách hỗ trợ sẽ thu đẩy nhu cầu mua ô tô. Vào tháng 8/2024, Chính phủ đã phê duyệt đề xuất giảm 50% lệ phí đăng ký đối với ô tô lắp ráp trong nước.
Trong quá khứ, sau khi áp dụng giảm lệ phí đăng ký vào nửa cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2022, tổng khối lượng bán xe của toàn thị trường đã phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, khối lượng bán xe trong nửa cuối năm 2020 đạt 189.451 xe, tăng 76% so với nửa đầu năm và 33% so với cùng kỳ, trong khi nửa đầu năm 2022 đạt 252.932 xe, tăng 36%. Do đó, MBS kỳ vọng sự phục hồi của ngành ô tô trong nửa cuối năm 2024 sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của TPB.
(2) MBS dự đoán cho vay thế chấp sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024 nhờ việc thông qua Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, và Luật Nhà ở 2024. Những luật này tập trung vào việc thiết lập cơ chế định giá đất dựa trên thị trường, điều này sẽ giúp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thu phí sử dụng đất, thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn của các dự án bất động sản.
Dữ liệu về cung, cầu và tỷ lệ hấp thụ đang cho thấy các tín hiệu phục hồi tích cực, đặc biệt là ở phía Bắc. Luật các Tổ chức Tín dụng sửa đổi cũng sẽ cho phép các ngân hàng xử lý nợ xấu bằng cách chuyển nhượng một phần các dự án bất động sản để thu hồi nợ, cung cấp cho họ các tùy chọn giải quyết bổ sung và mở khóa dòng tiền.
MBS kỳ vọng NIM sẽ phục hồi trong năm 2025, đạt 4% (+10 đcb so với cùng kỳ), nhờ vào việc lợi suất tài sản cải thiện 35 đcb, nhờ mặt bằng lãi suất cao hơn và nhu cầu vay bán lẻ tăng sẽ mang lại lợi suất cho vay cao hơn.
Nhóm phân tích kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm nhờ (i) nền kinh tế hồi phục và các hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện, (ii) nợ nhóm 2/ tổng dư nợ giảm trong 3 quý liên tiếp, từ đó giảm áp lực lên việc tăng nợ xấu trong nửa cuối năm và (iii) TPB sẽ cố gắng củng cố bảng cân đối kế toán qua việc xóa nợ và trích lập dự phòng trong nửa cuối năm.
Dựa trên các triển vọng trên, MBS khuyến nghị khả quan cổ phiếu TPB với giá mục tiêu là 21.800 đồng/cp, cao hơn 20% so với giá đóng cửa phiên giao dịch 14/9.
Diễn biến giá cổ phiếu TPB |
Ngày 24/9 tới đây, TPB sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Như vậy, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 20 cổ phiếu mới.
TPBank dự kiến sẽ phát hành thêm 440,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị theo mệnh giá là 4.403 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.419 tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 7, TPBank đã thực hiện thanh toán cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% cho cổ đông. Tổng số tiền mà ngân hàng chi trả là hơn 1.100 tỷ đồng.
>> Một doanh nghiệp niêm yết giả mạo tài liệu tham gia gói thầu hơn 300 tỷ đồng