Đón sóng đầu tư công và bất động sản phục hồi, Thép Pomina (POM) chính thức nhận vốn từ ông lớn Nhật Bản
Dưới sự hỗ trợ của đối tác Nhật Bản, Thép Pomina (POM) sẽ nâng công suất Nhà máy Thép Pomina 2 lên mức tối đa, kịp đón đầu nhu cầu sử dụng thép xây dựng cuối năm nay.
Ngày 10/9/2024, CTCP Thép Pomina (UPCoM: POM) đã có thông báo chính thức ký kết đầu tư với đối tác Nhật. Cụ thể, tại Nhà máy Pomina 2 Phú Mỹ đã diễn ra lễ chính thức triển khai Hợp đồng Hợp tác đầu tư với đối tác chiến lược là Công ty Thép Nansei Nhật Bản.
Đây được xem là bước đi nhằm cụ thể hoá thỏa thuận đầu tư chiến lược của Nansei Steel và Thép Pomina vốn đã được công bố hồi cuối tháng 7/2024, cũng như đánh dấu bước tiến lớn cho chiến lược tái cấu trúc toàn diện của Thép Pomina.
Lễ triển khai hợp đồng hợp tác đầu tư chiến lược giữa Thép Pomina và Nansei Steel Nhật Bản |
Theo hợp đồng, Nansei sẽ cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho Pomina 2 vận hành công suất tối đa. Mô hình hợp tác giữa hai công ty tập trung vào tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến thị trường giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đại diện Thép Pomina cho biết, việc hợp tác với Nansei Steel sẽ giúp công ty tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến thị trường giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, việc khởi động lại nhà máy từ thời điểm này được kỳ vọng sẽ giúp công ty đón sóng bất động sản phục hồi và các dự án đầu tư công bước vào giai đoạn nước rút triển khai, giúp nhu cầu về thép xây dựng tăng trở lại.
Nansei Steel có trụ sở chính tại tỉnh Chiba, Nhật Bản, là 1 trong những nhà sản xuất và xuất khẩu kim loại hàng đầu tại Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực thép. Doanh nghiệp này đang sở hữu mạng lưới 30 chi nhánh kinh doanh trên toàn Nhật Bản, chuyên cung cấp và kinh doanh nguyên liệu kim loại tái chế. Nansei Steel còn được biết đến là đơn vị hàng đầu Nhật Bản trong việc xử lý và tái chế các nguyên liệu kim loại.
Song song với việc hợp tác đầu tư với Nansei Steel, ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Thép Pomina tiết lộ công ty đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp khác nhằm mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về nhà đầu tư mới chưa được công bố.
Doanh nghiệp chìm trong thua lỗ
Thép Pomina đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 của công ty mẹ với doanh thu thuần đạt 46 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ. Công ty tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ gộp gần 52 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ gộp 26 tỷ đồng.
Mặc dù đã tiết giảm các khoản chi phí nhưng công ty vẫn báo lỗ sau thuế 279 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 349 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Theo công ty, nguyên nhân khiến công ty tiếp tục báo lỗ là do Nhà máy thép Pomina 3 và Nhà máy Pomina 1 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu các chi phí hoạt động. Để khắc phục tình trạng này, công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc lại để có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Pomina ghi nhận doanh thu đạt 48 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế 504 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ 536 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023.
Do tình trạng thua lỗ kéo dài, tính tới thời điểm 30/6, Pomina lỗ lũy kế lên tới 1.769 tỷ đồng, bằng 63% vốn góp của chủ sở hữu.
Được biết, POM đang sở hữu 3 nhà máy gồm: Pomina 1 xây năm 2002, công suất 300.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 525 tỷ đồng; Pomina 2 xây năm 2005, công suất 600.000 tấn/năm, quy mô vốn 1.100 tỷ đồng; Pomina 3 xây năm 2009 trên khu đất 46ha tại KCN Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, công suất 1 triệu tấn/năm.
Liên tục thua lỗ khiến doanh nghiệp phải đưa ra phương án tái cấu trúc, trong đó có việc bán nhà máy Pomina 1 và 3, chỉ giữ lại nhà máy Pomina 2 tại KCN Phú Mỹ.
Phía POM ước tính giá trị 2 nhà máy trên rơi vào khoảng 6.000 - 6.800 tỷ đồng. Công ty dự định góp 900 - 1.000 tỷ đồng để thành lập công ty mới cùng với đối tác khác. Còn 5.100 - 5.800 tỷ đồng sẽ dùng để trả nợ ngân hàng và các nhà cung cấp.
>> 2 nhà máy thép ngưng hoạt động, ông lớn ngành thép một thời báo lỗ 500 tỷ đồng