Vĩ mô

Định hướng xanh cho ngành xi măng

Thành Luân 01/11/2024 - 11:07

Sản xuất xi măng là một trong những ngành có nguồn phát thải CO2 lớn nhất, do đó việc tìm kiếm giải pháp giảm phát thải rất quan trọng để có thể giảm đáng kể tác động đến môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Doanh nghiệp đang thay đổi

Hiện nay ngành xi măng tiếp tục khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào như điện, than và bao bì tăng cao, khi chi phí sản xuất vượt xa khả năng bù đắp từ doanh thu; đi kèm với thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu tiếp tục cạnh tranh khốc liệt về giá, áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực sản xuất khiến nhiều DN tiếp tục báo lỗ trong quý III/2024.

Với một ngành có tổng công suất thiết kế lên tới 122 triệu tấn xi măng/năm, trong đó, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) chiếm khoảng 30 - 32% và là một trong những ngành có tỷ lệ phát thải lớn, chiếm gần 75% lượng phát thải của lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, được xem là mục tiêu chính trong nỗ lực giảm phát thải.

Công ty CP xi măng Vicem Sông Thao chuyển hướng sản xuất xanh - sạch hơn. Ảnh: Trần Dũng
Công ty CP xi măng Vicem Sông Thao chuyển hướng sản xuất xanh - sạch hơn. Ảnh: Trần Dũng

Trưởng Ban An toàn và môi trường VICEM Dương Ngọc Trường cho biết, DN đã triển khai nhiều giải pháp để giảm lượng phát thải, cũng như tận dụng lượng điện dư để phát điện và thu hồi CO2. Việc giảm tỷ lệ clinker trong xi măng là một giải pháp quan trọng để giảm cường độ phát thải. Theo đó, VICEM đã sử dụng tro, xỉ và thạch cao nhân tạo trong sản xuất xi măng, góp phần xử lý các phế thải công nghiệp và bảo vệ môi trường. Tính đến năm 2024, tỷ lệ sử dụng tro, xỉ trong sản xuất của VICEM đạt hơn 10%, giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO2.

Các dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện tại VICEM được các công ty thành viên đặc biệt quan tâm triển khai. VICEM có 9/10 công ty thành viên sản xuất xi măng phải triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện (hệ thống WHR), bao gồm: VICEM Hải Phòng, Hoàng Thạch, Tam Điệp, Sông Thao, Hạ Long, Bút Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Mai và Hà Tiên, với tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 71,45MW, tổng công suất phát điện dự kiến khoảng 63,4MW.

Tuy nhiên, đại diện VICEM cũng nhìn nhận, vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng sản phẩm và đầu tư cơ sở hạ tầng cho nguyên liệu thay thế. Nhà nước còn thiếu cơ chế, chính sách rõ ràng nhằm khuyến khích, hỗ trợ DN xi măng, nên trong quá trình thực hiện các dự án thí điểm, các đơn vị sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Cũng là một đơn vị hướng tới chuyển đổi, sản xuất xanh, Giám đốc điều hành Công ty CP Xi măng FiCO Tây Ninh Nguyễn Công Bảo chia sẻ, DN chú trọng vào nghiên cứu và phát triển xi măng hàm lượng clinker thấp, với mục tiêu làm chủ hoạt tính clinker nhằm bảo đảm chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, cũng nghiên cứu ứng dụng các khoáng chất trong phế phẩm công nghiệp và tăng hiệu quả của phụ gia hóa học nhằm tạo ra các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường.

"Cần có quy hoạch cung cầu và cơ cấu ngành bền vững, bảo đảm hiệu quả kinh tế và giảm phát thải. Ngoài ra, cần quy hoạch cung cầu theo vùng, ưu tiên sử dụng xi măng hỗn hợp thay vì portland và tận dụng năng lực đồng xử lý bằng cách sử dụng phế liệu và chất thải làm nhiên liệu thay thế" - ông Nguyễn Công Bảo nhìn nhận.

Dự báo tiếp tục tác động

Theo TS Hoàng Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), về quy mô và công nghệ, hiện nay ngành xi măng có 92 dây chuyền sản xuất clinker xi măng, công suất 122,34 triệu tấn xi măng/năm; về nguyên liệu, sử dụng trung bình 1.55 tấn nguyên liệu (đá vôi, đất sét, phụ gia)/tấn clinker; nhiệt năng tiêu tốn trung bình 800 kcal/kg clinker; điện năng 95 kWh/tấn xi măng. Đặc biệt, cả nước ta hiện đã lắp đặt 34 dây chuyền với công suất 248MW (tiết kiệm khoảng 20 - 30% lượng điện năng tiêu thụ)

Mục tiêu phát triển ngành xi măng giai đoạn 2021 - 2030, về đầu tư, nước ta chỉ đầu tư mới nhà máy sản xuất clinker đáp ứng được các tiêu chí gồm: xây dựng mới các nhà máy sản xuất clinker có công suất trên 5.000 tấn/ngày/dây chuyền, gắn với vùng nguyên liệu, đầu tư đồng thời hệ thống tận dụng nhiệt khí thải và các chỉ tiêu công nghệ môi trường khác.

Đến năm 2025, các dây chuyền clinker có công suất dưới 2.500 tấn/ngày sẽ phải đổi mới công nghệ; đầu tư trạm nghiền công suất phù hợp với vùng nguyên liệu; tăng tỷ lệ pha phụ gia.

Đến hết năm 2025, 100% dây chuyền clinker lớn hơn 2.500 tấn/ngày phải có hệ thống tận dụng nhiệt khí thải. Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện với mục tiêu tiết kiệm được khoảng 20% - 30% tổng lượng điện tiêu thụ, giảm lượng phát thải bụi và khí CO2.

Từ 2031 - 2050, sẽ tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, sử dụng chất thải và rác thải làm nguyên liệu. Việc đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng sẽ được đẩy mạnh nhằm giảm lượng chất thải phải chôn lấp và cải thiện hiệu quả kinh tế. Đồng thời, các dây chuyền sản xuất hiện có sẽ được cải tiến để xử lý hầu hết các loại chất thải mà không phát sinh ô nhiễm, từ đó góp phần giảm phát thải ra môi trường.

Thêm nữa, Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 1/10/2024, 80 cơ sở sản xuất xi măng sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và nộp báo cáo 2 năm một lần, theo Nghị định số 06/NĐ-CP, sản xuất xi măng, thép và nhiệt điện sẽ tham gia thí điểm phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và thị trường carbon.

Bên cạnh đó, ngành xi măng cũng phải đối mặt với các quy định quốc tế, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, dự kiến sẽ áp dụng từ 2026, với mục tiêu hạn chế lượng khí thải carbon từ các sản phẩm nhập khẩu đã và đang tạo ra những tác động không nhỏ tới các DN xuất khẩu trên toàn cầu, trong đó có quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Cơ chế này không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và môi trường.

Giám đốc Phát triển bền vững SGS Việt Nam Tô Thanh Sơn nhìn nhận, CBAM được dự báo sẽ có tác động sâu rộng đến các DN xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như xi măng, thép và nhôm. Nhiều DN Việt Nam vẫn còn chưa nhận thức rõ về CBAM, trong khi một số DN lớn đã bắt đầu nghiên cứu và chuẩn bị cho quy định này.

Để ứng phó, DN có hàng hóa thuộc danh mục chịu sự điều chỉnh của CBAM EU cần phải xác định được nguồn phát thải/kiểm kê/tính toán tổng lượng phát thải; xây dựng báo cáo đề cập đến lượng phát thải của từng dòng sản phẩm; xác định, đánh giá giảm thiểu lượng carbon trong từng công đoạn của quy trình sản xuất; xây dựng kế hoạch sản xuất, trong đó có dòng kinh phí cho việc xây dựng báo cáo phát thải theo yêu cầu của CBAM và trao đổi với nhà nhập khẩu để chuẩn bị các nội dung báo cáo theo yêu cầu.

Tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.

>> Ngành xi măng vẫn đối mặt với khó khăn

Ngành xi măng vẫn đối mặt với khó khăn

Xi măng Hà Tiên (HT1): Lợi nhuận quý III tăng vọt, vượt kế hoạch sau 9 tháng

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/dinh-huong-xanh-cho-nganh-xi-mang.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Định hướng xanh cho ngành xi măng
    POWERED BY ONECMS & INTECH