Độ chính xác của máy đo nồng độ cồn qua hơi thở
Kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở khác ít nhất 15% so với nồng độ cồn trong máu do nhiều yếu tố tác động.
Uống rượu là sở thích của nhiều người nhưng họ có thể không nhận ra rượu ảnh hưởng đến cơ thể nhanh đến mức nào và làm giảm khả năng thực hiện các công việc thường ngày ra sao. Đặc biệt, lái xe khi có cồn trong người là hành vi nguy hiểm. Theo thống kê ở Mỹ, 28 ca tử vong mỗi ngày liên quan tới uống rượu khi lái xe, khiến nước này thiệt hại khoảng 44 tỷ USD mỗi năm.
Bởi vậy, các nước trên thế giới đều có quy định ngưỡng nồng độ cồn cho phép khi lái xe. Lực lượng chức năng sẽ sử dụng thiết bị đo lượng cồn trong hơi thở của một người. Từ đó, người kiểm tra có thể ước tính hàm lượng cồn trong máu để xác định lái xe có uống quá nhiều rượu gây mất an toàn không.
Ngoài ra, để đo nồng độ cồn trong cơ thể còn có thể sử dụng mẫu máu, nước bọt, nước tiểu nhưng tốn thời gian hơn nhiều.
Cách thức hoạt động
Máy kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở phản ánh tỷ lệ cồn trong máu của một người. Cơ quan chức năng có thể sử dụng chỉ số này để đánh giá mức độ say xỉn của một người. Sau khi bạn sử dụng đồ uống có cồn (rượu bia), cơ thể sẽ hấp thụ cồn qua niêm mạc dạ dày vào máu. Khi máu đi qua phổi, một ít cồn sẽ bay hơi và vào phổi.
Do đó, nồng độ cồn trong phổi liên quan đến nồng độ cồn trong máu. Bằng cách sử dụng tỷ lệ phân chia, có thể xác định nồng độ cồn trong máu gần như ngay lập tức từ hơi thở mà không cần lấy mẫu máu.
Theo Medical News Today, tỷ lệ nồng độ cồn trong hơi thở và trong máu là khoảng 2.100:1. Điều này có nghĩa khoảng 2.100ml hơi thở sẽ chứa lượng cồn tương đương 1ml máu.
Độ chính xác
Theo hãng luật Lawson (Mỹ), các nghiên cứu đã chỉ ra kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở khác ít nhất 15% so với nồng độ cồn trong máu.
Nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của bài kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở. Ví dụ, các hợp chất khác trong hơi thở, nhiệt độ, sức khỏe của một người hoặc lỗi thao tác. Ngoài ra, lượng không khí mà một người thở ra khi đo cũng có thể làm sai lệch kết quả.
Bởi vậy, cảnh sát có thể tiến hành kiểm tra vài lần trước khi đưa kết quả. Ngoài ra, trong các trường hợp thiết yếu liên quan tới hình sự, cơ quan chức năng có thể tính tới các hình thức khác có độ chính xác cao hơn như xét nghiệm máu.
Nồng độ cồn có thể tăng lên vào thời điểm 15 phút sau khi uống rượu, thường cao nhất khoảng một giờ sau khi bạn uống rượu.
Cách uống rượu ít gây hại cho sức khỏe
Nếu vẫn muốn dùng rượu bia, bạn nên uống chừng mực. Thông thường, phụ nữ không nên uống quá 1 đơn vị cồn mỗi ngày, nam giới không uống quá 2 đơn vị cồn.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, một đơn vị cồn tương đương với: 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330ml (5%); một cốc bia hơi 330ml (4%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40ml (30%).
Để uống rượu an toàn và có trách nhiệm, bạn nên:
- Kiểm soát lượng rượu uống vào
- Uống thêm nước lọc khi dùng rượu bia
- Tránh uống rượu khi bụng đói
- Tránh dùng thuốc hoặc ma túy khi đang uống rượu.
Ngoài ra, bạn tránh lái xe sau khi uống rượu. Mọi người nên nên có kế hoạch thay thế như thuê/nhờ người khác lái xe hoặc đi taxi.
>> Vì sao có người uống rượu bia mãi không say, người nửa chén đã ‘gục’?
Đề xuất 2 phương án xử lý nồng độ cồn
Tha thiết đề nghị chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe