Doanh nghiệp A-Z

Từ ngày 15/2, CSGT toàn quốc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn: Ngành bia, rượu đối mặt với áp lực lớn

Thu Huyền 15/02/2025 - 15:03

Theo Kế hoạch Tuần tra kiểm soát năm 2025, từ ngày 15/2, CSGT toàn quốc sẽ tập trung xử lý 6 nhóm hành vi vi phạm giao thông được xác định là nguyên nhân chính gây tai nạn.

Theo báo Chính phủ, ngày 4/2/2025, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) của Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch Tuần tra kiểm soát, xử lý các chuyên đề vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt. Theo đó, kế hoạch này bắt đầu từ 15/2/2025 đến hết năm. Kế hoạch sẽ nhấn mạnh xử lý vào 6 nhóm chuyên đề, gồm:

- Vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

- Vi phạm cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, vận chuyển hàng hóa không chằng buộc đúng quy định.

- Vi phạm tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ), đi không đúng phần đường, làn đường quy định, đi ngược chiều, tránh vượt, không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau.

- Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, lạng lách, đánh võng… đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.

- Lái xe kinh doanh vận tải sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện và việc lắp đặt, hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh lái xe.

- Xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên.

Từ ngày 15/2, CSGT toàn quốc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn: Ngành bia, rượu đối mặt với áp lực lớn
CSGT sẽ tăng cường kiểm tra nồng độ cồn từ ngày 15/2 đến hết năm 2025 (Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 12/2 vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã phát động chiến dịch truyền thông “Đã uống rượu bia không lái xe” và “Không giao xe cho người không đủ điều kiện”.

Chiến dịch này nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về việc tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt trong mùa lễ hội. Đồng thời, chiến dịch cũng kêu gọi các bậc phụ huynh quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện của con em, đảm bảo chỉ giao xe khi con em đủ điều kiện theo quy định pháp luật, có đầy đủ kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, có thể thấy tai nạn giao thông được kéo giảm sâu trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2024, đặc biệt là số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn cũng giảm rất sâu. Tuy nhiên, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn còn ở mức cao, vẫn xảy ra ở nhiều nơi với trên 17.000 trường hợp, chiếm tới 30% số lượng vi phạm được cơ quan chức năng xử lý.

Tăng mạnh mức phạt nồng độ cồn - “đòn chí mạng” với các doanh nghiệp bia, rượu

Việt Nam hiện là một trong những thị trường bia sôi động nhất thế giới, xếp thứ 7 toàn cầu và thứ 3 châu Á, với tổng sản lượng tiêu thụ 4,2 tỷ lít vào năm 2023. Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), 93% thị phần bia tại Việt Nam thuộc về 4 ông lớn, gồm: Heineken (43%), Sabeco (34%), Carlsberg (9%) và Habeco (7%).

Trong những năm gần đây, ngành bia liên tục đối mặt với các chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn, điển hình là Nghị định 100 (kiểm soát nồng độ cồn) và Nghị định 168 (tăng nặng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn từ năm 2025). Theo đó, từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168 chính thức có hiệu lực, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với ngành bia, rượu, cụ thể:

- Nồng độ cồn trong máu dưới 0,05%: Không thay đổi với cả người lái xe máy và ô tô.

- Nồng độ cồn trong máu từ 0,05% - 0,08%: Đối với xe máy, tiền phạt tăng từ 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng, trong khi mức phạt với tài xế ô tô có thể lên đến 18-20 triệu đồng.

- Nồng độ cồn trong máu trên 0,08%: Đối với xe máy, tiền phạt tăng từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng, trong khi ô tô sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng.

Từ ngày 15/2, CSGT toàn quốc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn: Ngành bia, rượu đối mặt với áp lực lớn
Nguồn: Vietcap

Bên cạnh đó, Nghị định 168 sẽ thay đổi hình thức xử phạt từ đình chỉ giấy phép lái xe (GPLX) sang hệ thống điểm phạt. Theo đó, mỗi GPLX có 12 điểm/năm, điểm sẽ bị trừ theo mức độ vi phạm và GPLX sẽ bị thu hồi nếu điểm về 0. Sau tối thiểu 6 tháng, người vi phạm có thể thi lại để lấy GPLX mới.

Theo nhận định của Chứng khoán Vietcap, việc siết chặt các quy định cấm lái xe sau khi sử dụng rượu bia đã tác động tiêu cực đến mức tiêu thụ bia trong giai đoạn 2023-2024. Người tiêu dùng dần có xu hướng mua bia mang về hoặc sử dụng các dịch vụ gọi xe sau khi uống.

Từ năm 2025, với mức phạt nặng hơn đối với hành vi có nồng độ cồn từ 0,05% trở lên, ngành bia có thể tiếp tục đối mặt với sụt giảm sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, việc chuyển từ đình chỉ ngay lập tức GPLX sang hệ thống điểm phạt có thể giúp giảm nhẹ tác động đối với những trường hợp vi phạm ở mức độ nhẹ.

>> Ủy ban An toàn giao thông phát động chiến dịch mới, tác động tới Heineken, Sabeco và Habeco

Đón cú sốc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lớn nhất lịch sử ngành bia: Sabeco, Heineken, Habeco… tìm cách né đòn, người tiêu dùng sẽ chịu trận?

Vượt bão thổi nồng độ cồn, ông lớn Sabeco (SAB) đạt 4.500 tỷ đồng lợi nhuận

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tu-ngay-152-csgt-toan-quoc-siet-chat-kiem-tra-nong-do-con-nganh-bia-ruou-doi-mat-voi-ap-luc-lon-276581.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Từ ngày 15/2, CSGT toàn quốc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn: Ngành bia, rượu đối mặt với áp lực lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH