Sabeco (SAB) vẫn 'kiếm bộn tiền' trong thời gian tới bất chấp sức ép từ Nghị định 168 và thuế tiêu thụ đặc biệt
Sabeco ghi nhận doanh thu thuần 31.872 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.494 tỷ đồng trong năm 2024, lần lượt tăng 4,63% và 5,64% so với cùng kỳ. Dù chịu tác động từ việc siết chặt nồng độ cồn, doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng nhờ mở rộng kênh phân phối và kiểm soát chi phí.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - HoSE: SAB) công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với doanh thu thuần đạt 8.933 tỷ đồng. Mảng bia đóng góp chính với doanh thu thuần 7.588 tỷ đồng, tăng 4,23% so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.
Cả năm 2024, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần 31.872 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.494 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,63% và 5,64% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm 6%, tuy nhiên biên lãi ròng tăng 1% lên 14,1% nhờ chi phí bán hàng sụt giảm.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, tăng nặng mức phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn, cùng với đại dịch Covid-19, đã khiến doanh thu Sabeco giảm mạnh trong năm 2020 và 2021, lần lượt đạt 27.961 tỷ đồng và 26.374 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn duy trì lợi nhuận ròng trong khoảng 3.900 - 5.500 tỷ đồng trong nhiều năm qua.
Bước sang năm 2025, Nghị định 168 thay thế Nghị định 100, tiếp tục siết chặt quy định về vi phạm nồng độ cồn. Mức phạt đối với người điều khiển xe máy có thể lên tới 10 triệu đồng, trong khi ô tô lên đến 40 triệu đồng, kèm theo trừ điểm giấy phép lái xe hoặc tước quyền sử dụng đến 2 năm.
Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Shinhan, Sabeco vẫn được kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2025 với doanh thu dự kiến đạt 33.807 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.795 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,1% và 6,7% so với thực hiện năm 2023.
Hai yếu tố chính hỗ trợ kỳ vọng này gồm: (1) thị trường tiêu thụ nội địa phục hồi tốt hơn và (2) sự gia tăng đóng góp từ kênh Off-trade khi người tiêu dùng dần chuyển sang mua mang về thay vì tiêu thụ tại chỗ để thích nghi với quy định về nồng độ cồn. Thực tế, ban lãnh đạo Sabeco cho biết thị phần tăng trong năm 2024 chủ yếu đến từ kênh MT (phân phối hiện đại).
Chứng khoán Shinhan cũng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng bia năm 2025 sẽ cải thiện lên 33% nhờ giải phóng hàng tồn kho đại mạch giá cao và giảm chi phí sản xuất vỏ lon. Tuy nhiên, giá nhôm tăng gần đây là một yếu tố cần theo dõi thêm.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trước đó, tháng 12/2024, Sabeco hoàn thành mua 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Bia Sài Gòn Bình Tây, để trở thành công ty mẹ với tỷ lệ sở hữu 65,9% cổ phần. Đây là doanh nghiệp được biết đến với dòng bia Sagota và sở hữu 5 nhà máy với tổng công suất hơn 600 triệu lít/năm. Việc thâu tóm này dự kiến sẽ giúp SAB tăng khả năng mở rộng dây chuyền sản xuất. Công ty sẽ bắt đầu hợp nhất báo cáo tài chính vào năm 2025.
Sabeco chia sẻ công ty đã xây dựng được công thức sản xuất dòng bia không cồn. Chuyển dịch sang bia không cồn và ít cồn là một xu hướng đang lên gần đây trong bối cảnh việc xử phạt nồng độ cồn ngày càng quyết liệt, tuy nhiên quy mô thị trường cho dòng bia này vẫn còn khá nhỏ. Vì vậy, công ty chưa có kế hoạch tung sản phẩm này ra thị trường.
Chứng khoán Shinhan lưu ý 4 rủi ro với kết quả kinh doanh của Sabeco thời gian tới: (1) rủi ro tăng giá nguyên vật liệu; (2) rủi ro tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; (3) rủi ro chính sách; (4) rủi ro tiêu thụ nội địa phục hồi yếu hơn kỳ vọng.
Trong năm 2024, Bộ Tài chính có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia. Lộ trình đến năm 2029 mức thuế từ 85% - 95%.