Đô thị loại 1 là 'điểm đến hàng đầu thế giới' của Việt Nam được bao bọc bởi núi và biển, có đầm nước rộng gấp 10 lần Hồ Tây
Địa phương này là một trong số thành phố cảng quan trọng của cả nước, là trung tâm lớn về khoa học, y tế, logistic của miền Trung - Tây Nguyên.
Với bờ biển trải dài 72km, đầm Thị Nại uốn lượn qua trung tâm thành phố và bán đảo Phương Mai nằm trong tuyến du lịch quốc gia Phương Mai – Núi Bà, thành phố Quy Nhơn được biết đến là địa phương sở hữu một địa hình đa dạng với cảnh quan thiên nhiên phong phú. Quy Nhơn không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh và bãi biển tuyệt đẹp mà còn có các vũng, vịnh nên thơ cùng những đồi núi hùng vĩ, tất cả đều tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch.
Đặc biệt, thành phố Quy Nhơn cũng được coi là một trong những cảng thành phố quan trọng của Việt Nam. Được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010, Quy Nhơn là trung tâm lớn về khoa học, y tế, logistic của miền Trung - Tây Nguyên. Sự phát triển của thành phố không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn tạo cơ hội kết nối giao thương với các vùng khác trong cả nước và quốc tế.
Theo bí thư Tỉnh ủy Bình Định, thành phố Quy Nhơn hiện hữu vốn một bên núi, một bên biển, diện tích chưa đến 285km2. Thành phố được chia thành ba khu vực chính: bán đảo Phương Mai, khu vực đất liền và trung tâm cùng với khu vực Cù Lao Xanh. Nổi bật giữa bán đảo Phương Mai và khu trung tâm là đầm nước mặn Thị Nại, đầm lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng diện tích hơn 50km2, gấp 10 lần Hồ Tây (khoảng 5km2) và chỉ sau phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế).
Đầm Thị Nại, với vị trí kín gió và được bao bọc bởi các dãy núi, đặc biệt là hệ thống núi đá trùng điệp của bán đảo Phương Mai, như một tấm bình phong khổng lồ bảo vệ thành phố Quy Nhơn. Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước, đầm còn tạo nên một hệ sinh thái phong phú, góp phần làm phong phú thêm vẻ đẹp thiên nhiên của thành phố.
Phía Nam thành phố Quy Nhơn nổi bật với những dãy núi trùng điệp, độ cao dao động từ 400 đến 500m, xen lẫn là những ngọn núi thấp hơn, có độ cao khoảng 200 đến 300m. Giữa các ngọn núi là những thung lũng hẹp và bằng phẳng như Quy Hòa, Phú Tài và Nhơn Lý tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hài hòa giữa núi và đồng bằng.
Khu trung tâm của thành phố Quy Nhơn có diện tích chỉ khoảng 7km2, tương đương với diện tích của Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (7,72km2). Trong khi đó, mật độ dân số tại đây lại đang gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, vào năm 2022, mật độ dân số của Quy Nhơn đạt 1.682 người/km2, gấp hơn 5 lần so với mật độ trung bình toàn quốc là 321 người/km2.
Nội thành Quy Nhơn dường như đang trở nên chật chội, không còn đủ không gian cho sự phát triển của một đô thị văn minh, hiện đại. Trong khi đó, đầm Thị Nại rộng lớn, một món quà thiên nhiên độc đáo giữa lòng thành phố, vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Đây là tài nguyên quý giá mà hiếm đô thị nào ở Việt Nam có được, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển du lịch và nâng cao chất lượng sống cho cư dân nơi đây.
Trước những thuận lợi tự nhiên vốn có, quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Quy Nhơn sẽ được mở rộng về phía Đông Bắc, với đầm Thị Nại là trung tâm của đô thị mới. Khu vực phía Đông Bắc sẽ hình thành một đô thị hiện đại và sầm uất trên bán đảo Phương Mai, trong khi phía Tây Bắc, các xã của huyện Tuy Phước sẽ phát triển thành khu đô thị sinh thái.
Từ đó, các khu đô thị ven đầm Thị Nại sẽ trở thành vùng lõi, hình thành đô thị trung tâm của Quy Nhơn, kết nối chặt chẽ với các khu đô thị logistics ở sân bay Phù Cát, thị xã An Nhơn cùng với các khu đô thị ven biển. Sự kết nối này không chỉ nâng cao tính đồng bộ trong phát triển hạ tầng mà còn tạo nên một bộ mặt văn minh, hiện đại cho tỉnh Bình Định, khẳng định vị thế và tiềm năng du lịch của vùng đất này.
Năm 2020, thành phố biển Quy Nhơn từng vinh dự góp mặt cùng 4 địa phương Việt Nam trong danh sách 20 địa điểm du lịch bụi tốt nhất 2020 do Hostelworld xếp hạng, khẳng định vị trí "điểm đến hàng đầu thế giới", theo sau là Hạ Long, Hà Giang, Quảng Bình và Ninh Bình.