Đô thị trong lành nhất Việt Nam: Được mệnh danh là 'thành phố giữa rừng', chỉ rộng 68km2 nhưng có hơn 15.000 cây xanh
Nơi đây vừa được xếp thứ 3 trong top 15 thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất tại Đông Nam Á.
Nằm ở phía Nam của sông Tiền, thành phố Trà Vinh thuộc tỉnh Trà Vinh có diện tích khoảng 68km2. Nơi đây được mệnh danh là "thành phố cây xanh" hay "thành phố giữa rừng" với mật độ cây xanh dày đặc.
Theo thống kê năm 2021, thành phố có 72 tuyến đường, trong đó có 47 tuyến được che phủ bởi cây xanh, gồm 14.463 cây bóng mát, 800 cây cổ thụ trên 100 tuổi. Các loài cây phổ biến ở đây gồm dầu, sao, me, giáng hương, sấu… Nhiều tuyến đường của thành phố được người dân quen gọi tên theo loài cây như đường Hàng Me, đường Cây Dầu…
Nhờ cây cối bao bọc, khí hậu ở đây rất mát mẻ, dễ chịu. Theo một công bố hồi tháng 4 của Cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir (Thụy Sỹ), thành phố Trà Vinh xếp thứ 3 trong top 15 thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất tại Đông Nam Á và được xếp hạng trong lành nhất Việt Nam.
Đến thành phố xanh nhất Việt Nam, bên cạnh tận hưởng không khí trong lành, bạn còn có thể đến tham quan một số địa điểm du lịch.
Ao Bà Om
Bên cạnh những cung đường rợp bóng cây xanh, Trà Vinh còn có cả một khu rừng nguyên sinh giữa lòng thành phố. Đó là ao Bà Om thuộc địa bàn khóm 3, phường 8. Nơi đây được công nhận là Di tích cấp Quốc gia ở loại hình danh lam thắng cảnh vào năm 1994.
Ao Bà Om rộng 300m và dài 500m. Mặt nước ao trong xanh, phẳng lặng như gương, được tô điểm bởi những bông hoa sen và hoa súng nở rộ.
Nhờ sự che phủ của những tán cây, không khí xung quanh ao quanh năm mát mẻ, dễ chịu, thu hút du khách tới tham quan và nghỉ dưỡng.
Người dân nơi đây cho rằng, nhiều cây cổ thụ ở ao Bà Om có tuổi thọ hơn 1.000 năm bởi bên cạnh ao là chùa Âng - ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh được xây dựng từ năm 990. Trong khi đó, theo tập quán lâu đời của người Khmer, khi xây dựng chùa, người dân luôn trồng cây xung quanh. Do đó, tuổi cây quanh chùa hay quanh ao có thể bằng tuổi chùa.
Ao Bà Om không chỉ là một danh lam thắng cảnh đẹp mà còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội quan trọng của đồng bào Khmer sinh sống tại đây, như lễ Ok Om Bok, lễ cúng ông bà Sene Dolta...
Chùa Âng
Chùa Âng còn được gọi là Wat Angkor Raig Borei theo tiếng Paly, được xây dựng vào thế kỷ thứ X. Trải qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, chùa vẫn giữ nguyên được kiến trúc độc đáo của người Khmer Nam Bộ. Chùa Âng có khuôn viên rộng khoảng 4ha, bao bọc bởi hào nước sâu, tạo nên vẻ đẹp cổ kính và uy nghiêm.
Chùa được xây theo lối kiến trúc vòm cong mái ngói ba lớp, cửa chính quay về hướng Đông, đối diện với Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer và cửa phụ quay về hướng Tây.
Bảo tàng văn hóa dân tộc của người Khmer
Được thành lập vào năm 1995, Bảo tàng văn hóa dân tộc của người Khmer chính thức khai trương vào năm 1997. Nơi đây lưu giữ và trưng bày hơn 800 hiện vật, hình ảnh, tài liệu phản ánh đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Trà Vinh từ truyền thống đến đương đại.
Bảo tàng là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của người Khmer.
Chùa Vàm Rây
Tọa lạc tại ấp Vàm Rây, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, chùa Vàm Rây là một trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất và đẹp nhất miền Tây Nam Bộ. Chùa được xây dựng vào năm 2004, do ông Trầm Bê, một doanh nhân người Khmer tài trợ.
Chùa Vàm Rây mang đậm kiến trúc Angkor đặc trưng của người Khmer Campuchia, với những mái ngói cong cong, những hoa văn tinh xảo và những tượng Phật uy nghi. Đỉnh cao nghệ thuật của chùa Vàm Ray được thể hiện ở những họa tiết đại diện cho các vị thần nơi mái vòm, tường và cột. Ngoài kiến trúc rực rỡ, chùa Vàm Rây còn được biết đến với tượng Phật nằm ngoài trời 54m - một trong những bức tượng lớn nhất Việt Nam.