Doanh nghiệp dè dặt tiếp cận kinh tế tuần hoàn

04-07-2023 16:59|HẠNH LÊ

Quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về năng lực công nghệ, tài chính là những khó khăn chính khiến doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, tổ chức sản xuất kinh tế tuần hoàn

Chia sẻ về các kênh tài chính cho chuyển dịch kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam,  TS. Lại Văn Mạnh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tài nguyên và môi trường (Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường) thông tin: ngoài đầu tư nhà nước, có thêm nguồn lực từ thị trường vốn với các kênh tài chính mới như vay ngân hàng (tài chính xanh), vay từ thị trường trái phiếu (trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh…), các kênh đầu tư mạo hiểm, đầu tư tác động cho kinh tế tuần hoàn, kênh tài chính vi mô.

anh-1-ktth.png
Kinh tế tuần hoàn đang được nhiều doanh nghiệp lớn triển khai thành công

Một nguồn lực khác cũng rất quan trọng, theo TS. Lại Văn Mạnh là đầu tư tư nhân, nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp, nguồn vốn góp của các cổ đông trong thực hiện kinh tế tuần hoàn. Cuối cùng, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Trên thế giới, xu hướng tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang phát triển mạnh nhằm huy động các nguồn lực cho kinh tế tuần hoàn. Năm 2021, tổng dư nợ tín dụng xanh, trái phiếu xanh toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt sau hội nghị COP 26 có hơn 480 tổ chức tài chính cùng cam kết chuyển dịch dòng đầu tư sang khu vực tài chính xanh.

Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung này. Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, từ năm 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống cho các lĩnh vực xanh tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô dư nợ nhỏ; đến cuối năm 2022 đạt hơn 500 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm tỷ trọng 46,7%) và nông nghiệp xanh (chiếm tỷ trọng hơn 31%).

Về trái phiếu xanh, từ năm 2021, Việt Nam tích cực tham gia các tiêu chuẩn trái phiếu xanh, xã hội, bền vững ASEAN (AGBS; ASBS, ASUS); hướng dẫn về trái phiếu bền vững của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA). Các thương vụ phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế đến từ một số  tập đoàn lớn trong nước.

Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam mới manh nha hình thành, việc huy động tài chính cho doanh nghiệp chuyển đổi kinh tế tuần hoàn vì thế gặp nhiều khó khăn. Từ nghiên cứu huy động tài chính cho kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may, ngành xuất khẩu chủ lực, đang đứng trước yêu cầu xanh hoá cấp bách, bà Vũ Minh Nguyệt - Cán bộ dự án cấp cao GO Circular của tổ chức GIZ cho biết, trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp khi áp dụng kinh tế tuần hoàn là chi phí đầu tư ban đầu cao do thay đổi phương thức quản lý kinh doanh và đầu tư công nghệ.

anh-2-ktth.jpg
Thiếu tiêu chí xanh khiến các tổ chức tín dụng gặp khó trong thẩm định các dự án xanh cũng như giám sát, quản lý sử dụng vốn huy động

Ngoài ra, doanh nghiệp thiếu hồ sơ dữ liệu để tiếp cận công cụ tài chính vay vốn; thiếu thông tin về tổ chức tài chính, hình thức hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi; thiếu công cụ tài chính pha trộn từ các nguồn khác nhau.

Trong khi đó, khung pháp lý và chính sách, các quy định tài chính xanh dừng ở mức định hướng, thiếu cụ thể, nhất là tiêu chí xanh, dự án xanh, cơ chế giám sát, quản lý sử dụng vốn huy động. Chưa kể, văn hóa kinh doanh, đầu tư gắn với trách nhiệm xã hội hay mục tiêu bảo vệ môi trường chưa hình thành, người tiêu dùng khó chấp nhận sản phẩm hàng hoá từ kinh tế tuần hoàn với mức giá mới cao hơn.

Việc thiếu tiêu chí xanh cũng khiến các tổ chức tín dụng gặp khó trong thẩm định các dự án xanh vốn mang nhiều yếu tố kỹ thuật, môi trường chuyên ngành. Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng và ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh. giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh. Đây cũng là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng. 

Thủ tướng: Hình sự là biện pháp cuối cùng khi gỡ vướng các dự án điện tái tạo

Thủ tướng Chính phủ: Nếu ai 'chạy chọt', sẽ xử lý nghiêm

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-de-dat-tiep-can-kinh-te-tuan-hoan-246812.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp dè dặt tiếp cận kinh tế tuần hoàn
    POWERED BY ONECMS & INTECH