Loạt nhà đầu tư lớn bỏ rơi, siêu dự án hydro xanh trọng điểm quốc gia trị giá 253.000 tỷ đồng đối mặt nguy cơ ‘đắp chiếu’
Dự án từng được kỳ vọng tạo bước đột phá trong chuỗi cung ứng hydro với Nhật Bản, nhưng nay bị từ bỏ bởi hàng loạt tập đoàn lớn.
Tham vọng trở thành cường quốc năng lượng sạch của Australia vừa gặp trở ngại lớn khi dự án sản xuất hydro xanh lớn nhất nước này (CQ-H2) chính thức bị đình trệ do chính quyền tiểu bang bảo thủ mới không sẵn sàng gánh khoản chi phí khổng lồ.
Nhiều nguồn tin am hiểu cho biết dự án tại Queensland do công ty điện lực Nhà nước Stanwell dẫn dắt đã rơi vào bế tắc. Stanwell cũng ra thông cáo xác nhận chấm dứt tham gia vào dự án CQ-H2 và các hoạt động phát triển hydro khác.
Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu và Năng lượng Australia, ông Chris Bowen, thừa nhận ngành hydro xanh đang đối mặt với “gió ngược đầu tư” và tiến trình phát triển các dự án “không đi theo đường thẳng”.
Việc các dự án hydro gặp khó ngay cả ở Australia – quốc gia đang nỗ lực tái định vị mình thành siêu cường năng lượng tái tạo – là đòn giáng mới vào nỗ lực giảm phát thải toàn cầu.

Dự án CQ-H2 dự kiến bắt đầu vận hành từ năm 2031, với công suất khoảng 300.000 tấn hydro xanh/năm, thông qua quá trình điện phân nước bằng năng lượng tái tạo. Chi phí xây dựng được ước tính vào khoảng 9,69 tỷ USD (khoảng 253.563 tỷ đồng), biến đây trở thành dự án hydro xanh lớn nhất nước này.
Cơ sở này là một phần trong kế hoạch thiết lập chuỗi cung ứng hydro giữa Nhật Bản và Australia, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, lần lượt các tập đoàn Marubeni, Kansai Electric Power và Iwatani đã rút khỏi dự án.
Trong thông báo riêng, Marubeni xác nhận: “Dự án đã kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển hydro và amoniac ít carbon tại Australia và các khu vực khác”.
Được biết Kansai Electric từng lên kế hoạch sử dụng lượng hydro từ CQ-H2 nhưng đã quyết định rút lui vào tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, Iwatani – đơn vị dự tính xây dựng nhà máy hóa lỏng hydro – cũng đã đóng cửa văn phòng tại miền Đông Australia vào tháng 3.
Trở ngại lớn nhất của dự án được cho là chi phí sản xuất quá cao. Để cạnh tranh được với các loại nhiên liệu khác và được sử dụng rộng rãi, giá thành hydro phải dưới 1,3 USD/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất hydro xanh tại Australia hiện dao động từ 3,57 - 8,4 USD/kg.

Điện năng chiếm tới 70% chi phí sản xuất. Bà Fiona Simon – Giám đốc Hội đồng Hydrogen Australia – cho biết: “Năm 2019, giá điện tái tạo vào khoảng 26 USD/MWh và chúng tôi biết mức giá đó cần giảm còn 13 USD. Nhưng hiện nay, giá điện tái tạo lại cao hơn”.
Việc mở rộng năng lượng tái tạo đòi hỏi phải nâng cấp lưới điện và đầu tư hạ tầng từ đầu. Quá trình xin phê duyệt xây dựng các trạm điện và đường truyền tải mất thời gian, chưa kể phải thuyết phục người dân địa phương. Thêm vào đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực kỹ thuật như kỹ sư điện.
Vì vậy, các dự án hydro thường phụ thuộc vào trợ cấp của chính quyền bang và liên bang. Tháng 12/2023, chính phủ Australia từng chọn CQ-H2 là ứng viên nhận hỗ trợ lên tới 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, đảng Tự do Quốc gia – lực lượng bảo thủ mới lên nắm quyền – cho rằng các dự án hydro xanh do Chính phủ tiền nhiệm thúc đẩy không có lợi nhuận và không nên tiếp tục nhận trợ cấp.
Chính quyền bang khẳng định sẽ không cấp thêm ngân sách cho dự án, trong khi Chính phủ liên bang cũng không có động thái cứu vãn.
Australia đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện từ mức 40% ở hiện tại lên 82% vào năm 2030, và hydro là một trụ cột trong chiến lược đó.
Tuy vậy, hàng loạt dự án hydro tại quốc gia này đã bị đặt dấu hỏi kể từ năm 2024. Trong số 6 dự án được chọn xét cấp trợ cấp liên bang, 3 dự án – bao gồm CQ-H2 – đã bị đình chỉ hoặc đóng băng hoạt động.
Theo Nikkei Asia
>> Từ chối Pháp, dự án mở rộng đường sắt cao tốc huyết mạch được trao cho nhà thầu Trung Quốc